Duy trì nhiều mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng
Nhằm ngăn ngừa các tệ nạn xã hội thâm nhập vào đời sống; nâng cao hiệu quả quản lý, hỗ trợ những người sa chân vào con đường lầm lỡ từng bước tìm lại chính mình, thành phố Hà Nội duy trì nhiều mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng. “Phủ sóng” trên phạm vi rộng là mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện; mô hình Quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú; điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng…
Rõ đối tượng, chắc địa bàn
Mô hình thu hút nhiều người tham gia nhất hiện nay là Đội công tác xã hội tình nguyện với mạng lưới khoảng 4.000 tình nguyện viên, có mặt ở đa số các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Những năm qua, lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Cùng với đó là việc tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện; người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập xã hội. Riêng từ đầu năm 2022 đến tháng 6-2023, các Đội công tác xã hội tình nguyện tiếp cận tư vấn trực tiếp về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội cho hơn 100.000 lượt người, gia đình; cùng các cơ quan chức năng đưa gần 1.000 người đi cai nghiện tự nguyện; giúp đỡ gần 3.000 người hoàn thành thời gian cai nghiện trở về địa phương...
Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các tình nguyện viên của Đội công tác xã hội tình nguyện, không ít người từng lầm lỡ đã tìm thấy động lực, niềm tin làm lại cuộc đời. Như trường hợp của anh P.H trú tại phường Phú Lãm (quận Hà Đông). Sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy trở về, anh P.H được Đội công tác xã hội tình nguyện phường Phú Lãm động viên, giúp đỡ học nghề sửa chữa điện thoại di động. Hiện anh P.H có việc làm, thu nhập đều đặn, sống tích cực hơn.
Tăng hiệu quả trợ giúp
Mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội khác tại cộng đồng, dựa vào cộng đồng được thành phố Hà Nội quan tâm triển khai trên phạm vi rộng là Quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến thời điểm cuối tháng 6-2023, trên địa bàn thành phố có 361 mô hình được triển khai ở 350/579 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ gần 60,5% tổng số xã, phường, thị trấn. Việc triển khai mô hình giúp thành phố Hà Nội có mạng lưới “bà đỡ” cùng môi trường xã hội tích cực để những người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập xã hội.
Trong năm 2022, các xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý sau cai nghiện ma túy đối với 100% số người hết thời gian cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc… Sau một năm, trong tổng số 2.570 người thuộc diện quản lý, các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, đánh giá được về nhiều mặt đối với 1.886 người (chiếm 73%), trong đó có 402 người (đạt 21%) tìm được việc làm mang lại thu nhập. Số người không thể đánh giá được do họ đi làm ăn xa, thường xuyên không sinh sống trên địa bàn hoặc đã qua đời…
Sau hai năm quản lý, số người có thể đánh giá, nắm bắt được thông tin đạt 68%, số người có việc làm đạt 21%. So với giai đoạn từ năm 2020 trở về trước (khi mô hình Quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú chưa được triển khai trên phạm vi rộng), thì số người được quản lý sau cai và có việc làm, thu nhập để hòa nhập xã hội trong năm 2021 và 2022 tăng lên đáng kể.
Đưa các dịch vụ trợ giúp về cơ sở
Nhằm tăng hiệu quả kết nối giữa các bên trong quá trình tư vấn, điều trị cai nghiện, quản lý, giúp đỡ sau cai nghiện, những năm gần đây, thành phố Hà Nội thí điểm triển khai mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Đến nay, mô hình đã hình thành, đi vào hoạt động tại nhiều quận, huyện (Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì…).
Theo đánh giá của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, mô hình giữ vai trò cầu nối trong việc giới thiệu, chuyển gửi người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện. Đối tượng phục vụ là người nghiện ma túy đã có quyết định áp dụng các biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, người tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Methadone hoặc người nghiện ma túy có nhu cầu điều trị cai nghiện tự nguyện…
Nói cách khác, việc triển khai Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng là cách các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đưa các dịch vụ hỗ trợ về cơ sở, nên phát huy hiệu quả khá tích cực. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các điểm tư vấn đã tiến hành tư vấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy, điều trị cai nghiện ma túy cho gần 700 lượt người…
Từ thực tế triển khai, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Ngọc Anh cho hay: “Hiệu quả rõ nhất của mô hình điểm tư vấn là có thể giúp cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Từ khi mô hình này đi vào hoạt động, rất ít người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn phường Quan Hoa tái nghiện”.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng, các cơ quan chức năng liên tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác hỗ trợ xã hội trong điều trị nghiện ma túy; tuyên truyền nâng cao năng lực về phòng, chống mại dâm cho lực lượng cán bộ, tình nguyện viên tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội. Tất cả cùng hướng đến mục tiêu chung nhất là ngăn ngừa, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.