Phát triển nông nghiệp gắn với quy hoạch đô thị
Hiện quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nếu phát triển theo hướng truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao. Do đó, thời gian qua, các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, trải nghiệm, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị.
Phù hợp với thực tiễn
Phát triển nông nghiệp đô thị không chỉ để tạo thêm thu nhập cho người dân, mà còn đem lại sự phát triển bền vững, nhất là cải thiện môi trường xanh. Do đó, thời gian qua, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở các địa phương đã đưa công nghệ cao vào sản xuất.
Là địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô, huyện Đan Phượng đã đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị hiện đại, gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Giám đốc Hợp tác xã Nấm Nghĩa Minh (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) Nguyễn Văn Hùng cho biết, hợp tác xã đã ứng dụng khoa học, công nghệ, dây chuyền trồng nấm hiện đại, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia, kể cả quá trình đóng gói sản phẩm. Nhờ đó, sản xuất nấm cho giá trị kinh tế cao, đạt giá trị 500-600 triệu đồng/ha/năm và phù hợp với những nơi sản xuất có diện tích nhỏ.
Với mục tiêu xây dựng và trở thành vùng nông nghiệp đô thị sinh thái của Thủ đô, huyện Thanh Oai đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng và phát triển nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Ông Nguyễn Xuân Dưỡng, ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) chia sẻ, với 3.000m2 nhà lưới trồng hơn 100 giống hoa lan các loại, doanh thu mỗi năm của gia đình ông đạt khoảng 1,5-1,6 tỷ đồng. Trang trại của gia đình ông trở thành điểm đến của khách du lịch tới tham quan và mua hoa.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, công nghệ, thiết bị lựa chọn ứng dụng chủ yếu là trong việc quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng, giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản.
“Các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, không chỉ tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình đô thị hóa và phù hợp với nền nông nghiệp của Hà Nội hiện nay”, ông Tạ Văn Tường cho hay.
Nông nghiệp đô thị, sinh thái
Để nông nghiệp phát triển phù hợp với quá trình đô thị hóa, thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, cây trồng vật nuôi chủ yếu; hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp đô thị.
Định hướng về phát triển nông nghiệp trên địa bàn thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, theo lộ trình phát triển từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành quận. Chính vì vậy, huyện Đan Phượng chú trọng đầu tư các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp huyện Đan Phượng, tạo ra nét riêng biệt và có uy tín trên thị trường.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện được định hướng phát triển nông nghiệp trong lòng đô thị. Cùng với những vùng sản xuất chính, huyện đã quy hoạch các vùng trang trại tổng hợp, vùng nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch ở các xã có lợi thế, tạo nền tảng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, ngành Nông nghiệp Thủ đô được định hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo vùng, phù hợp với điều kiện 3 vùng sinh thái: Đồi gò, đồng bằng và bãi ven sông. Tùy theo từng vùng, các địa phương áp dụng mô hình phát triển phù hợp; đa dạng loại hình sản xuất, kết hợp đa lĩnh vực du lịch, sinh thái, giáo dục, bảo vệ môi trường; chú trọng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, Hà Nội còn quy hoạch các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các quy hoạch, bảo đảm quỹ đất ổn định để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp…
“Hà Nội cần phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh; hỗ trợ nông dân về đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu, tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn; có chính sách phát triển dịch vụ logistics đô thị trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh”, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.