Chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2023 và 2024, hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Do đó, để đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này, bảo vệ sức khỏe người dân rất cần sự quan tâm, chung tay của cả cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương: Quyết tâm dập tắt các ổ bọ gậy
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, huy động cộng đồng tích cực tham gia. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh và tổ chức khoanh vùng, điều tra, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch.
Mặt khác, tổ chức hoạt động giám sát côn trùng truyền bệnh tại các khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm, khu vực ổ dịch cũ, khu vực có bệnh nhân/ổ dịch để đánh giá các chỉ số côn trùng… Muốn kết thúc nhanh dịch bệnh, chúng ta phải quyết tâm dập tắt các ổ bọ gậy để không còn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Chính vì vậy, thời gian qua, qua kiểm tra, chúng tôi cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn huy động các ban, ngành đoàn thể và người dân quyết liệt hơn nữa, thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đẩy mạnh kiểm soát nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy, thu gom, lật úp phế liệu, phế thải đọng nước, thau rửa bể đựng nước.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường: Chú trọng đánh giá, dự báo nguy cơ dịch bệnh
Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế, mà cần sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành. Do đó, thời gian qua, huyện Hoài Đức đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, trong đó chú trọng công tác đánh giá, dự báo nguy cơ dịch bệnh; tổ chức các chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức, thái độ, hành vi của người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết; tuyên truyền, vận động người dân chủ động diệt muỗi, bọ gậy tại hộ gia đình và nơi công cộng.
Đặc biệt, huyện cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết tại các xã trọng điểm, nguy cơ cao; lồng ghép hoạt động truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết tại các buổi sinh hoạt đoàn thể. Hiện 100% các xã, thị trấn đã tổ chức đợt truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp. Thời gian tới, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tập trung, nghiêm túc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Anh Khổng Doãn Duy, phường Bồ Đề, quận Long Biên: Nêu cao tinh thần tự giác phòng, chống sốt xuất huyết
Đợt dịch sốt xuất huyết năm ngoái, gia đình tôi có 5 người thì 4 người mắc bệnh. Ban đầu, tôi nghĩ bệnh sốt xuất huyết không có gì đáng lo ngại. Thế nhưng, khi mắc bệnh, tôi mới cảm thấy nó thật kinh khủng. Thậm chí, sau khi khỏi bệnh, sức khỏe cũng bị giảm sút đi rất nhiều. Được biết, bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 type được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch.
Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type nên mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những type khác nhau. Điều đáng lo ngại là lần nhiễm sau sẽ nặng hơn lần nhiễm trước đó. Do tính chất nguy hiểm của sốt xuất huyết nên để phòng tái nhiễm bệnh, tôi và những người trong gia đình thường xuyên thực hiện đúng những gì mà ngành Y tế khuyến cáo. Đồng thời, sử dụng các phương tiện phòng ngừa muỗi để giảm nguy cơ mắc bệnh. Mong rằng, mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần tự giác phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.