Phối cảnh hai “siêu dự án” ở Cần Giờ
Ngày 18-7, các siêu dự án Cảng trung chuyển và Khu đô thị lấn biển tại huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh lại được nhắc đến khi đoàn công tác của Chính phủ đến thị sát khu vực này.
Đây là những dự án hạ tầng lớn, được kỳ vọng sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của Cần Giờ và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.
Cần Giờ rộng 71.300ha, với hơn 70.000 dân, nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50km. Đây là địa phương duy nhất của thành phố giáp biển với chiều dài 23km, nhiều sông rạch, rừng ngập mặn và các điều kiện tự nhiên phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.
Huyện nằm giữa 2 cửa sông lớn là sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu và tiếp giáp sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế.
Theo đề án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Cù lao này có hơn 93ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 82ha đất có rừng và được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu. Khu vực này nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, do đó, dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi rừng.
Dự kiến, cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027). Về công nghệ, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là công nghệ cảng xanh. Nhà đầu tư cũng cam kết mang công nghệ hiện đại nhất đến Cần Giờ.
Việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước; thực hiện chủ trương di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô thành phố.
Bên cạnh đó, sẽ thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Đồng thời, sẽ sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Theo đề án, sau khi hình thành, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics...
Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm. Về lộ trình, công tác chuẩn bị đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế sẽ được triển khai từ năm 2023-2024. Từ năm 2024-2026 triển khai xây dựng và đưa vào khai thác cảng từ năm 2027.
Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 năm 2018 với quy mô 2.870ha. Dự án nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.
Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án từ 600ha lên 2.870ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng.
Đây là một trong các dự án được UBND thành phố Hồ Chí Minh đưa vào danh mục các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường.
Trong đó, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả.
Tại phiên họp HĐND thành phố Hồ Chí Minh ngày 11-7 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh cục bộ Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cố gắng hoàn thành các thủ tục điều chỉnh để năm 2025 khởi công dự án.