Thổ Nhĩ Kỳ: Cuộc chính biến ngắn ngủi

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:53, 17/07/2016

(HNM) - Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chấn động bởi cuộc đảo chính của một nhóm quân nhân nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cùng hệ thống quyền lực tại quốc gia này.

Tổng thống R.Erdogan đứng giữa những người ủng hộ ở Sân bay Ataturk, Istanbul.


Cuộc chính biến bắt đầu vào khoảng 21h30 ngày 15-7 (theo giờ địa phương) khi các binh sĩ tiến hành đảo chính triển khai lực lượng trên nhiều tuyến đường ở Istanbul và thủ đô Ankara, trong khi xe tăng, thiết giáp cũng xuất hiện cùng máy bay chiến đấu, trực thăng liên tục chao lượn trên bầu trời. Đến 22h02, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim thông báo về cuộc đảo chính đang xảy ra, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh. Tình hình leo thang khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã kiểm soát Chính phủ và ban hành thiết quân luật trên kênh truyền hình Nhà nước TRT. Khoảng 2 giờ sau, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đáp lại bằng tuyên bố qua Facetime trên Đài truyền hình CNN Turk, kêu gọi người dân đổ ra đường, chiếm lĩnh đường phố để thể hiện sự ủng hộ với Chính phủ. Đáp lại lời kêu gọi này, giữa đêm 15-7, hàng triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ ra các tuyến đường ở Ankara và Istanbul tuần hành phản đối cuộc đảo chính, thể hiện sự ủng hộ Tổng thống cùng Chính phủ.

Trước những diễn biến bất ngờ tại đất nước nằm bên bờ hai lục địa Á - Âu, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh “hành động can thiệp quân sự vào các vấn đề quốc gia là không thể chấp nhận”. Trong khi đó, hai nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) Donald Tusk và Jean-Claude khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chủ chốt của khối này và EU hoàn toàn ủng hộ Chính phủ do người dân bầu ra, qua sự bầu chọn dân chủ, trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị và luật pháp của quốc gia này. Từ Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Nga “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc tất cả các bên Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ “dân chủ và được bầu ra”; đồng thời tránh các vụ bạo lực có thể dẫn tới đổ máu. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố trật tự dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được tôn trọng và cần phải triển khai tất cả các biện pháp để bảo đảm sự an toàn cho người dân nước này.

Đến rạng sáng ngày 16-7, tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ phần nào được kiểm soát, CNN đưa tin khoảng 50 binh sĩ tham gia đảo chính đã ra đầu hàng quân Chính phủ trên cầu Bosphorus ở thành phố Istanbul. Cùng lúc đó, khoảng 30 binh sĩ khác cũng hạ vũ khí sau khi bị cảnh sát có vũ trang bao vây tại quảng trường Taksim ở trung tâm thành phố. Quân Chính phủ cũng tiến hành không kích bằng máy bay F-16 nhằm vào những xe tăng cố thủ bên ngoài tòa nhà Tổng thống ở thủ đô Ankara. Đến 5h21 ngày 16-7, Tổng thống R.Erdongan tuyên bố cuộc đảo chính đã thất bại và Chính phủ đã kiểm soát được toàn bộ đất nước. Tổng tham mưu trưởng quân đội được giải cứu. Thủ tướng B.Yildirum cho biết cuộc lật đổ chỉ là một hành động nổi loạn đơn lẻ của những người ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Hiện 2.839 người tham gia vào vụ việc đã bị bắt giữ. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng thủ lĩnh đảo chính là cựu Đại tá quân đội Muharrem Kose, có liên hệ với phong trào tôn giáo và xã hội do Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen dẫn dắt.

Theo BBC, tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 160 người thiệt mạng, trong đó có 41 cảnh sát, 2 binh lính ủng hộ Chính phủ và hơn 1.440 người bị thương. Khoảng 104 binh lính tham gia đảo chính cũng đã thiệt mạng. Các nhà phân tích đưa ra nhận định rằng: Rất khó hiểu về động cơ của những người tiến hành cuộc chính biến, nhưng dường như nó không liên quan đến những vấn đề bất mãn về chính sách kinh tế, điều hành của Chính phủ hay là hệ quả từ tình trạng bất ổn kéo dài của đất nước. Ngược lại, chính sự ủng hộ của hàng triệu người dân đã giúp Chính phủ vô hiệu hóa nỗ lực nhằm hạ bệ vị tổng thống đã cầm quyền 13 năm của lực lượng chống đối. Đây là thắng lợi chính trị và tinh thần rất lớn đối với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho dù việc để xảy ra đảo chính là một lời cảnh báo đối với ông R.Erdogan trong việc phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn nữa với lợi ích đất nước và dân chúng.

Trước tình hình phức tạp tại Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt các biện pháp an ninh, hạn chế đi lại, giữ liên lạc thường xuyên với cảnh sát và chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, nhân viên, cũng như các thành viên gia đình Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara, Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Istanbul, các đoàn cán bộ Việt Nam đang công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại đây. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng yêu cầu Cơ quan đại diện Việt Nam phải sẵn sàng các biện pháp ứng phó để bảo hộ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.

Quang Huy