Nhật Bản củng cố ảnh hưởng tại Lục địa đen

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:30, 28/08/2016

(HNM) - Nhằm tạo ảnh hưởng tại Lục địa đen, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới thăm Châu Phi và dự Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi (TICAD) lần thứ 6 từ ngày 27 đến 28-8.


Hội nghị TICAD lần đầu diễn ra vào năm 1993, nhưng đây là lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức tại Châu Phi. Năm nay, hội nghị diễn ra tại Kenya theo đề nghị của các quốc gia tại Lục địa đen. Việc chuyển địa điểm được thực hiện theo yêu cầu của nước tổ chức nhưng cũng phản ánh xu hướng muốn thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tới khu vực Châu Phi. Thủ tướng S.Abe được cho là sẽ tận dụng cơ hội này để gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia ở Lục địa đen, trong đó có các cuộc hội đàm với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma. Cùng với việc giới thiệu các dự án viện trợ và phát triển tới các quốc gia tại Lục địa đen, lịch trình dày đặc các cuộc gặp với hàng chục nhà lãnh đạo đến từ khắp Châu Phi của Thủ tướng S.Abe tại hội nghị cho thấy quyết tâm thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tới khu vực rộng lớn này.

Châu Phi đã trở thành khu vực tiềm năng mà nhiều quốc gia trong đó có Nhật Bản chú trọng đầu tư.


Trên thực tế, Nhật Bản đã duy trì được sự hiện diện ổn định tại Châu Phi trong nhiều năm qua. Trong việc chinh phục thị trường này, Tokyo đã đi trước nhiều quốc gia nhưng kết quả lại không tương xứng. Đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Nhật Bản ở Lục địa đen là Trung Quốc - hiện đã bỏ xa Tokyo về kim ngạch thương mại, viện trợ phát triển và đầu tư trực tiếp tại châu lục. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng là một quốc gia rất "khát" tài nguyên để phục vụ phát triển. Tổng mức giao dịch thương mại của Trung Quốc với Châu Phi đạt 179 tỷ USD trong năm 2015, bỏ xa mức 24 tỷ USD so với Nhật Bản. Ở hội nghị năm nay, Nhật Bản khẳng định cách tiếp cận mới là nhấn mạnh và coi trọng chất lượng, sự khác biệt với chiến lược đề cao số lượng của Trung Quốc. Do đó, TICAD-6 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các dự án viện trợ và đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhật Bản cho Châu Phi như xây dựng đường giao thông, bến cảng, hệ thống đường sắt...

Tại TICAD-5, Nhật Bản đã cam kết dành 3.200 tỷ yên (28 tỷ euro) trong 5 năm cho các nước Châu Phi, trong đó có 1.400 tỷ yên viện trợ trực tiếp. Đến cuối năm 2015, Chính phủ Nhật Bản cho biết đã đạt được 67% kế hoạch đề ra. Hiện số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Châu Phi đã tăng gấp đôi, từ 333 doanh nghiệp vào năm 1993 lên 687 doanh nghiệp. Tuy nhiên, kim ngạch trao đổi thương mại song phương vẫn còn khiêm tốn. Năm 2015, giá trị nhập khẩu của Nhật Bản từ Châu Phi đạt 11,55 tỷ USD và xuất khẩu sang khu vực này đạt 8,57 tỷ USD. Việc tăng tốc đầu tư cho thấy Châu Phi được coi là một mặt trận ngoại giao và kinh tế của Nhật Bản. Tokyo đã xác định chuyển từ việc coi Châu Phi như một đối tượng nhận viện trợ thành một đối tác kinh tế và đầu tư. Động thái mở rộng hướng đầu tư sang lục địa này cũng nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội mới.

Rộng lớn, đông dân cư và đang phát triển mạnh mẽ, Châu Phi là khu vực đầy triển vọng đối với nhiều quốc gia. Dù điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn, các quốc gia Châu Phi đang bắt đầu thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Hiện một nửa trong số 30 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới nằm ở lục địa vốn từng bị cho là không có hy vọng này. Thực tế là nhiều nước tại Châu Phi đi lên từ xuất phát điểm rất thấp và bất bình đẳng vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy nếu tiếp tục phát triển như vậy, tầng lớp trung lưu với khoảng 150 triệu người hiện nay sẽ tăng lên 300 triệu người trong 10 năm tới. Sự phát triển vượt bậc này tạo ra một thế hệ các nhà doanh nghiệp mới.

Không riêng Nhật Bản, các tổ chức và quốc gia như Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sử dụng phương thức viện trợ để thuyết phục các lãnh đạo Lục địa đen vì tiềm năng to lớn mà thị trường này sở hữu. Do vậy, sự hợp tác và hiện diện ở Châu Phi là một quyết sách mang tính chiến lược nhằm mở rộng sự ảnh hưởng và vị thế toàn cầu của Nhật Bản.

Thùy Dương