Cơn bão địa-chính trị của thế kỷ 21 đang hình thành
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 16:56, 29/09/2016
Đó là lý do vì sao những rối loạn địa chính trị ở Âu-Á hiện nay vô cùng đáng ngại. Nó giống như một cơn bão - hấp thu năng lượng khổng lồ từ đại dương, dùng năng lượng đó xây dựng một cấu trúc tích hợp rộng lớn - để rồi phá hủy tất cả những gì mà nó chạm vào.
Vào lúc này, vùng đất Á-Âu rộng lớn có thể được ví như một nguồn năng lượng bất ổn của thế giới. Khi cả khu vực đồng loạt mất ổn định, nó sẽ tạo ra cơn cuồng phong địa chính trị cho toàn cầu.
Tương tự như Thế chiến II
Đây là hiện tượng mà chúng ta không thường gặp. Lần cuối cùng nó xảy đến là trước Chiến tranh thế giới thứ hai, khi từng khu vực trên lục địa Á-Âu bắt đầu gặp bất ổn. Các điểm bất ổn sau đó hòa vào nhau thành một cuộc xung đột tích hợp duy nhất, gây ra sự tàn phá cho toàn bộ lục địa. Trước hết, hãy xem xét cụ thể điều gì đã diễn ra trước Thế chiến II.
Nhân loại đang đối mặt với vòng xoáy bất ổn từng gây ra chiến tranh thế giới thứ hai. |
Châu Âu bước vào một thời kỳ khủng hoảng kinh tế nặng nề sau Thế chiến I. Những vấn đề kinh tế này kéo theo khủng hoảng chính trị và sự trỗi dậy của Hitler, Mussolini cùng cuộc chạy đua vũ trang.
Ở Liên Xô, cuộc cách mạng dẫn đến sự xáo trộn lớn về kinh tế, nạn đói, bất ổn chính trị. Trung Đông từng là nơi tương đối ổn định, cho đến khi người Ả Rập ngày càng phẫn uất sâu sắc trước sự thống trị của Anh và đã lặng lẽ đấu tranh chống lại chế độ này.
Tại Ấn Độ cũng vậy, một phong trào chống Anh do Mahatma Gandhi khởi xướng đã làm mất ổn định chính trị ở tiểu lục địa. Những năm 1930, tại Nhật Bản, một chính phủ quân sự nắm quyền kiểm soát và gây chiến tranh với Trung Quốc - vốn đã lâm vào một cuộc nội chiến trước đó.
Mỗi cơn bão ở mỗi tiểu khu tuy khác nhau, nhưng chúng đã kết hợp lại để tạo nên trận cuồng phong lớn.
Vấn đề kinh tế của châu Âu ảnh hưởng tới Nga và Nga đã tìm cách sử dụng chúng để tạo ra cuộc cách mạng chính trị. Nga viện trợ cho Trung Quốc, trong khi Nhật Bản cho rằng sự thống trị của châu Âu ở Đông Nam Á là không thể chấp nhận.
Những cơn bão này đã hội tụ và hòa vào nhau trong những năm 1930, làm bùng nổ một cuộc chiến không chỉ trên lục địa Âu-Á mà đã lan rộng trên phạm vi toàn thế giới, với sự tham gia của Mỹ. Người ta gọi đó là chiến tranh thế giới thứ hai.
Cơn bão của thế kỷ 21 đang hình thành
Chúng ta hiện ở vào giai đoạn mà hầu hết tất cả những vùng miền của lục địa Âu-Á đều đang trải qua những cơn bão. Ở châu Âu, sự thất bại của EU kể từ năm 2008 đã gây nên bất ổn kinh tế, dẫn tới bất ổn chính trị.
Nga đang xoay đảo cả trong những vấn đề kinh tế lẫn chính trị và đã có những hành động quân sự ở Ukraine, Syria. Trung Đông thì lâm vào tình thế hỗn loạn về an ninh và quân sự, thêm vào đó đang phải đối mặt với những vẫn đề kinh tế do giá dầu.
Giống như Nhật Bản, Trung Quốc rơi vào cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng, chính trị nội bộ cũng gặp hàng loạt vấn đề. Các nước Trung Á đang trải qua khủng hoảng kinh tế do giá dầu và chính phủ của họ đang trở nên bất ổn. Chỉ riêng Ấn Độ đang ổn định tương đối, nhưng cũng không được thịnh vượng như những thời kỳ trước.
Hiện giờ, điều chúng ta chứng kiến là những cơn bão nhỏ đang dần mạnh lên và hòa nhập với nhau. Khủng hoảng Trung Đông tác động đến châu Âu với cuộc di cư quá tải và chủ nghĩa khủng bố không thể kiểm soát. Trong khi đó, châu Âu tiếp tục hiện diện ở Trung Đông và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Nga can dự sâu sắc ở Syria. Mặt khác, người Nga và người Trung Quốc đang cùng nhau tạo nên những áp lực chính trị cho Trung Á để tận dụng lợi thế của họ về nguồn cung năng lượng khi giá dầu tăng.
Ở Đông Á, Trung Quốc bành trướng sức mạnh trên biển Đông và biển Hoa Đông, gây hấn với các nước Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Indonesia.
Trận cuồng phong lớn nhất chưa hình thành, nhưng mô hình này đang phát triển theo chiều hướng tương tự như những gì nhân loại từng trải qua những năm đầu cho đến giữa thập niên 1930.
Một nước Nga phiêu lưu. Một EU ốm yếu. Trung Đông bị tàn phá. Đó chỉ là ba triệu chứng của một sự bất ổn có hệ thống, có khả năng nhấn chìm cả lục địa là nơi cư trú của 5/7 tỷ người của hành tinh này. Và tệ hơn nữa, cơn bão bất ổn tại đây hoàn toàn có khả năng kích hoạt một cuộc xung đột toàn cầu, đây không phải là lần đầu tiên nhân loại trải qua thảm kịch đó.