Quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ: Bất đồng chồng chất

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:07, 13/11/2016

(HNM) - Quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ vốn nhiều khúc mắc lại tiếp tục xấu đi trong những ngày qua, khi hai bên liên tục có lời lẽ qua lại trong lúc các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giậm chân tại chỗ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan cảnh báo sẽ "mở cửa" cho hàng triệu người tị nạn Syria vào Châu Âu.


Trong một báo cáo mới công bố, EU bày tỏ quan ngại về chiến dịch trấn áp những người được cho là đứng sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã "lấy đi" sự độc lập của hệ thống tư pháp, sự tự do của ngôn luận và các tiêu chuẩn dân chủ cơ bản khác kể từ sau vụ đảo chính bất thành. Ông Johannes Hahn, một quan chức cấp cao EU đã giải thích rõ thêm về bản báo cáo này rằng, vụ đảo chính ngày 15-7 là một vụ tấn công vào nền dân chủ. Trước tính nghiêm trọng của tình hình, một sự phản ứng linh hoạt nhằm đẩy lùi nguy cơ là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, quy mô và bản chất tổng thể của các biện pháp mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang áp dụng trong nhiều tháng qua khiến EU hết sức quan ngại. Với vai trò là một quốc gia ứng cử viên thành viên EU, Thổ Nhĩ Kỳ cần thực thi các tiêu chuẩn cao nhất trong lĩnh vực luật pháp và quyền con người cơ bản... Báo cáo nhấn mạnh, điều này khiến triển vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên xa vời.

Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức có phản ứng gay gắt. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik trong một cuộc họp báo tại thủ đô Ankara đã chỉ trích báo cáo của EU là “không mang tính xây dựng” và “thiếu khách quan”. Theo ông Celik, nội dung bản báo cáo được viết theo cách không phục vụ lợi ích mối quan hệ EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn cảnh báo quốc gia này sẽ "mở cửa" cho hàng triệu người tị nạn Syria vào Châu Âu để trả đũa báo cáo này khi nhấn mạnh EU cần sớm xem xét việc nối lại đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ.

Những tranh cãi này dường như cho thấy, EU và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa hóa giải được bất đồng. Trong nhiều tháng qua, các cuộc đàm phán thường rơi vào bế tắc. Thậm chí, EU còn chưa triển khai việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đi du lịch ngắn ngày tới Châu Âu như yêu cầu của Ankara. Sự trì hoãn của Châu Âu còn khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đặt một thời hạn chót cuối năm 2016 để EU thực hiện các cam kết của mình trước khi thỏa thuận về người tị nạn mà hai bên đạt được hồi tháng 3 vừa qua đổ bể.

Đối với EU, khúc mắc chưa được giải quyết với Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở chỗ quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu này đang áp đặt luật chống khủng bố mà theo Brussels là “quá hà khắc”, đe dọa đến các quyền cơ bản của người dân. Thậm chí, việc liên tục bắt giữ gần 100.000 người thuộc phe đảo chính của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều tháng qua khiến EU không hài lòng. Đây là lý do khiến các nước thành viên EU liên tục ngừng các cuộc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz nhận định rằng, hành động của Ankara đặt ra câu hỏi về sự ổn định trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. EU lo ngại việc kết nạp một thành viên có những bộ luật chống khủng bố hà khắc và liên tục vi phạm quyền con người thông qua các cuộc bắt giữ sẽ ảnh hưởng đến những giá trị cốt lõi của Châu Âu vốn tồn tại từ nhiều năm nay.

Trong bối cảnh Châu Âu đang đối mặt với những vấn đề lớn từ người di cư, việc nước Anh chuẩn bị những thủ tục đầu tiên cho việc rời khỏi liên minh, ứng phó với nợ công cao ở nhiều quốc gia đến các nguy cơ khủng bố... nếu Thổ Nhĩ Kỳ “tháo van” vấn đề người tị nạn sẽ khiến mọi việc trở nên cực kỳ nghiêm trọng và đe dọa các nỗ lực giải quyết những vấn đề nóng của Lục địa già. 

Quang Huy