Thủ tướng Italia từ chức: Cú sốc mới với Liên minh Châu Âu

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:17, 06/12/2016

(HNM) - Thủ tướng Italia Matteo Renzi vừa trở thành nhà lãnh đạo thứ hai của Châu Âu, sau cựu Thủ tướng Anh David Cameron, phải ngậm ngùi “ra đi” trong năm 2016 khi đặt cược cả vận mệnh chính trị của mình vào một cuộc trưng cầu dân ý đầy may rủi.

Thủ tướng Italia M.Renzi phải từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp.


Dù nội dung cuộc trưng cầu dân ý tại Italia không liên quan tới chuyện đi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU) mà chỉ nhằm cải cách Hiến pháp, nhưng mức độ ảnh hưởng của sự kiện đến sự ổn định của Cựu lục địa đang được nhìn nhận với nhiều ánh mắt lo ngại. Đặc biệt, biến động trên chính trường đất nước hình chiếc ủng xảy ra vào thời điểm châu lục này đang trải qua nhiều sóng gió.

Là nền kinh tế lớn thứ 3 của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), nhiều năm gần đây, Italia phải đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ, hệ thống ngân hàng bên bờ vực khủng hoảng. Sau khi lên nắm quyền vào tháng 2-2014, Thủ tướng M.Renzi đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách nhằm cải thiện tình hình, nhưng “làn gió mới” như nhiều người mong đợi vẫn chưa xuất hiện ở quốc gia EU này.

Điều mà vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italia mong muốn trong cuộc trưng cầu dân ý này là một cuộc cải cách Hiến pháp nhằm loại bỏ quyền lực của Thượng viện, giúp quá trình ra quyết định của toàn bộ hệ thống chính trị dễ dàng và trơn tru hơn. Ông M.Renzi cho rằng như vậy thì Italia mới có thể thực hiện cải cách và vượt qua những khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, người dân quốc gia nằm bên bờ Địa Trung Hải lại nói “không” với những cải cách về Hiến pháp. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ công bố ngày 5-12 cho thấy, có tới 59,43% cử tri bỏ phiếu phản đối trong khi chỉ có 40,57% phiếu ủng hộ ý tưởng của ông M.Renzi.

Từ đầu năm nay, vị Thủ tướng 41 tuổi vẫn được cho là sẽ giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý lần này. Tuy nhiên, có quá nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện như Châu Âu rơi vào khủng hoảng nhập cư và sức khỏe của hệ thống ngân hàng Italia ngày càng tồi tệ. Tất cả những biến cố này khiến uy tín của đảng cầm quyền sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những lời kêu gọi cải cách của ông M.Renzi bị phe đối lập nhận định là không đáng tin và coi đó là một nỗ lực của ông nhằm thâu tóm quyền lực. Ngoài ra, cam kết sẽ từ chức nếu thua cuộc cũng là yếu tố khiến các phe đối lập quyết tâm đoàn kết để đặt ông M.Renzi vào thế khó.

Đúng với những gì cam kết, ngày 5-12, ông M.Renzi đã tuyên bố rời nhiệm sở trong cuộc họp nội các và trong cùng ngày ông đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella.

Giới phân tích cho rằng, Thủ tướng M.Renzi thất bại cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế Italia không được cải cách, khiến hệ thống ngân hàng quốc gia gặp vấn đề nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại hơn là sự bất ổn có thể lan ra toàn Châu Âu. Theo Hiến pháp, Italia sẽ có một chính phủ tạm thời đến khi cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, nếu không thể nhất trí về một chính phủ mới thì nhiều khả năng sẽ phải thực hiện cuộc bầu cử sớm. Nếu bầu cử diễn ra, Phong trào 5 sao (phong trào đấu tranh chống lại những quan điểm, nguyên tắc kinh tế, xã hội chính thống do ông Beppe Grillo, một diễn viên hài kịch đứng đầu) sẽ có nhiều cơ hội. Các nhà quan sát quốc tế lo ngại, nếu nắm được quyền lực, đảng phái này sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu khác nhằm loại bỏ đồng euro, đưa Italia trở về với đồng liar. Thậm chí, có thể trụ cột thứ ba của Eurozone sẽ theo bước người Anh tạo nên “cú sốc” tiếp theo cho EU.

Mối lo từ Italia là nguyên nhân đẩy đồng euro xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong vòng 20 tháng qua. Trong phiên giao dịch ngày 5-12, tỷ giá euro giảm 1,3% so với USD, còn 1,0534 USD đổi 1 euro. Thị trường chứng khoán Châu Á cũng ngập trong sắc đỏ. Nhiều phân tích cho rằng, bất ổn chính trị tại Italia có thể làm gia tăng gánh nặng đối với EU trong thời gian tới.

Quỳnh Dương