Áo mang "điềm lành" cho Châu Âu
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:37, 07/12/2016
Ứng cử viên trung tả A.Bellen đã giành được 53,3% số phiếu bầu trong khi ứng viên cực hữu N.Hofer chỉ có 46,7% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Áo ngày 4-12 vừa qua. Với kết quả này, ông A.Bellen sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên trong lịch sử quốc gia này không nhận được hỗ trợ bởi một trong hai chính đảng lớn là đảng Xã hội Dân chủ và đảng Nhân dân trong vòng đầu tiên. Ngay sau khi có kết quả, ông N.Hofer đã thừa nhận thất bại và chúc mừng chiến thắng của ông A.Bellen. Đồng thời, chính trị gia này cũng đã kêu gọi tất cả người Áo "đoàn kết và hợp tác cùng nhau”.
Châu Âu vui mừng trước chiến thắng của ông A.Bellen trong cuộc bầu cử Tổng thống Áo. |
Thắng lợi của ông A.Bellen có ý nghĩa quan trọng với nước Áo trong bối cảnh sự chia rẽ có xu hướng tăng cao. Trong chiến dịch tranh cử, ông A.Bellen đã kêu gọi đoàn kết đất nước và cùng các nước EU khác đối phó với những khó khăn hiện nay. Ông cũng đã bảo vệ vai trò của EU và kêu gọi người dân Áo chấp nhận người tị nạn từ vùng chiến sự ở Syria và các nơi khác sang Châu Âu. Những tư tưởng cởi mở này đã khiến ông được cử tri lựa chọn, với hy vọng chính trị gia 72 tuổi sẽ tạo dựng một hình ảnh thân thiện hoàn toàn mới của nước Áo. Ngược lại, thất bại của ứng viên N.Hofer cho thấy rằng, một đường lối chính trị gây chia rẽ và mang tính công kích không phải lúc nào cũng đảm bảo thắng lợi trong xã hội phương Tây hiện đại. Bằng lá phiếu của mình, các cử tri Áo đã từ chối ứng cử viên từng tuyên bố “Hồi giáo không có chỗ ở Áo” để ủng hộ nhà lãnh đạo yêu cầu họ hãy “dùng lý trí chứ không phải tư tưởng cực đoan để dẫn dắt những quyết định của chúng ta”.
Sự thành công của ông A.Bellen cũng là thắng lợi hiếm hoi đối với những tư tưởng ủng hộ hội nhập Châu Âu và quốc tế tự do trong một năm qua khi chủ nghĩa dân tộc và dân túy có chiều hướng lan rộng tại lục địa này. Do vậy, kết quả cuộc bầu cử tại Áo đã trở thành tâm điểm dõi theo của cả Châu Âu. Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố ông cảm thấy "nhẹ nhõm", còn Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier thì gọi việc ông A.Bellen giữ chiếc ghế Tổng thống là một “điềm lành cho Châu Âu”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande chúc mừng người dân Áo đã “chọn Châu Âu và mở cửa đất nước”.
Những mừng vui này phản ánh thực tế rằng dù chức vụ tổng thống chỉ mang ý nghĩa nghi thức ở Áo, nhưng trong thời điểm này lại mang một sứ mệnh lớn hơn đối với Châu Âu. Chiến thắng của một ứng cử viên theo đường lối trung tả được hy vọng sẽ chặn đứng nguy cơ của hiệu ứng “domino” từ sự lan rộng của các đảng phái cực hữu. Giới chức Lục địa già từng lo ngại rằng nếu ông N.Hofer thắng cử, đây sẽ là lần đầu tiên một ứng cử viên đảng cực hữu giữ chức vụ Tổng thống ở Áo và Châu Âu. Điều đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các phong trào cánh hữu ở Pháp, Hà Lan và đẩy EU đến bờ vực chia rẽ sâu sắc hơn.
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử Tổng thống Áo dài gần một năm qua cũng đã phơi bày sự không hài lòng của người dân đối với nền chính trị của đất nước cùng những quyết sách của Châu Âu trong những chương trình hệ trọng, nhất là vấn đề người di cư. Dù thua cuộc nhưng đảng Tự do của ông N.Hofer, với chủ trương bài ngoại vẫn có một vị trí trong chính trường Áo. Chính đảng này đã thu hút được sự ủng hộ lớn sau khi cuộc khủng hoảng người tị nạn lên đến đỉnh điểm vào mùa thu năm 2015. Đảng Tự do liên tục kêu gọi người di cư cần quay trở lại quê hương cho dù Chính phủ ôn hòa Áo ủng hộ dòng di chuyển tự do của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Do vậy, trước mắt Châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn thách thức nhằm bảo vệ những giá trị nhất thể hóa. Năm 2017, Pháp, Hà Lan và Đức sẽ tiến hành tổng tuyển cử trước sự trỗi dậy của các đảng phái cực hữu.
Dẫu vậy, một nước Áo hội nhập dưới sự lãnh đạo của Tổng thống A.Bellen là một sự khởi đầu tốt đẹp cho Lục địa già. Tin vui từ quốc gia xinh đẹp này cũng mang đến niềm tin rằng sự lựa chọn gắn kết với Châu Âu vẫn đang giành ưu thế và một tinh thần đoàn kết, hợp tác đã một lần nữa được thắp lên.