Quan hệ Nga - NATO: Vẫn chưa tan băng
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:26, 25/12/2016
Hoạt động diễn tập quân sự được triển khai ở hai bên biên giới Nga - Baltic khiến quan hệ NATO - Nga luôn căng thẳng. |
Thực tế cho thấy, các nước trong khu vực Baltic là Litva, Latvia và Estonia gần đây có động thái gia tăng quân sự khi chỉ trong vòng 6 tháng, 3 quốc gia với dân số tổng cộng chỉ có hơn 6 triệu người, đã chi ra 300 triệu euro cho các thiết bị quân sự. Estonia còn tuyên bố sẽ dành hơn 2% GDP theo yêu cầu của NATO cho các mục đích quân sự kể từ năm 2017. Trong chuyến thăm Mỹ gần đây, Thủ tướng Estonia Juris Ratas đã cho rằng, sự hiện diện của NATO ở vùng Baltic phải được gia tăng. Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Warszawa (Ba Lan) đầu tháng 7-2016, NATO đã quyết định việc đồn trú thường xuyên 4.000 quân ở các nước Baltic và Ba Lan.
Không chỉ dừng ở khu vực này, khắp Châu Âu, những nơi có biên giới chung hoặc gần với Nga đều gia tăng hợp tác với NATO, mà cụ thể là Mỹ càng khiến thế đối đầu Nga - NATO thêm căng thẳng. Mới đây nhất, Na Uy cho phép lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân bắt đầu từ tháng 1-2017. Sự kiện đánh dấu việc lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai, quốc gia Bắc Âu giáp Nga này cho phép quân đội nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ của mình. Đây cũng là một phần trong kế hoạch triển khai lực lượng quân sự đa quốc gia ở một số nước Đông Âu, động thái làm dấy lên các mối quan ngại về nguy cơ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa NATO và Nga.
Trong khi đó, Mátxcơva cũng đang củng cố các căn cứ quân sự ở Kaliningrad trên biển Baltic, gần biên giới Litva. Đáp trả động thái NATO tiếp tục mở rộng biên giới về phía Nga, Phó Chủ tịch Thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Franz Klintsevich khẳng định, Nga có thể hướng các loại vũ khí hạt nhân của mình vào bất kỳ chủ thể nào của NATO ở bất cứ nơi đâu. Trong cuộc họp báo thường niên tổ chức ngày 23-12, Tổng thống V.Putin nhấn mạnh, Nga đã nỗ lực rất nhiều để hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân và đã đưa vào sử dụng các tàu ngầm hạt nhân chiến lược với các tên lửa mới cũng như các hệ thống dùng cho máy bay. Ông cho rằng, Nga phải làm điều này để đáp trả những thách thức của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân vì hồi năm 2001 Washington đã đơn phương rút khỏi Hiệp định về phòng thủ tên lửa, vốn được coi là nền tảng cho toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế. Ông chủ Điện Kremlin còn tiết lộ, theo kế hoạch đến năm 2021 Nga phải có tới 70% vũ khí mới và hiện đại nhất (hiện mới đạt mức 50%) và kế hoạch đặt ra đang được thực hiện đúng lịch trình.
Quan hệ Nga - NATO đang có dấu hiệu ngày càng phức tạp. Cho dù cả hai bên tuyên bố không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng sự nghi kỵ ngày càng lớn làm tăng các nguy cơ an ninh. Mối quan hệ này đã trở nên căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng sau sự kiện Mátxcơva sáp nhập trở lại bán đảo Crimea hồi tháng 3-2014. Ngoài ra, NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống V.Putin luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Kiev là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này.
Việc Mỹ hoàn thành xây dựng một phần hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu (NMD) tại Romania, đồng thời tuyên bố năm 2018 sẽ tiếp tục hoàn thành một đơn vị tương tự ở miền Bắc Ba Lan càng khiến hai bên xa cách. Dù Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng tuyên bố, liên minh này muốn đối thoại với Nga và trên thực tế, Châu Âu rất cần Nga cho một cấu trúc an ninh chung nhưng với một loạt động thái đáp trả lẫn nhau, việc hai bên có thể sớm cải thiện trạng thái băng giá trong quan hệ song phương thời gian gần là rất khó.