Triển vọng mới với đồng minh cũ
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:19, 11/02/2017
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Ngày 10-2 (giờ Việt Nam), Thủ tướng S.Abe đã lên đường sang Mỹ và trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai thăm xứ Cờ hoa khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Nhật Bản với chủ nhân mới của Nhà Trắng nhưng là cuộc gặp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi nhà tỷ phú New York đắc cử Tổng thống Mỹ. Điều này cho thấy quan hệ Nhật - Mỹ đều được cả hai bên rất coi trọng. Trước chuyến thăm, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, trong bối cảnh các quan hệ an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng diễn biến phức tạp, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật bền vững có tầm quan trọng cả trong và ngoài nước. Còn Tổng thống Mỹ D.Trump trước chuyến thăm đã nhấn mạnh, ông sẽ bảo đảm để Thủ tướng S.Abe trở thành “đối tác chứ không phải đối thủ cạnh tranh”.
Tuy nhiên rõ ràng giữa hai nước vẫn tồn tại những nghi ngại, trong các vấn đề về kinh tế và an ninh. Về phía Nhật Bản, kể từ khi Tổng thống D.Trump đắc cử, Tokyo đã lo lắng rằng, nhà tài phiệt bất động sản sẽ có những tính toán khác trong quan hệ với Tokyo. Do vậy, việc bảo đảm lòng tin cũng như củng cố mối quan hệ đồng minh giữa hai nước là ưu tiên số một trong chuyến công du lần này của Thủ tướng S.Abe. Về phần mình, Tổng thống D.Trump đã từng nhiều lần cho rằng, Nhật Bản, Trung Quốc và Mexico là những nước làm thâm hụt thương mại của Mỹ, đồng thời cáo buộc Tokyo sử dụng chính sách tiền tệ nhằm phá giá nội tệ để đẩy mạnh xuất khẩu. Do vậy, cuộc gặp là nơi hai nhà lãnh đạo thảo luận và xóa bỏ những nghi ngờ để củng cố mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và an ninh.
Vấn đề gây lo ngại nhất lúc này với ông S.Abe là các chính sách kinh tế của ông D.Trump có thể gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung. Để giải quyết những mối lo đó, nhà lãnh đạo xứ Mặt trời mọc sẽ thuyết phục ông D.Trump tin rằng các quan hệ hợp tác, liên minh về kinh tế với Nhật Bản cũng mang lại lợi ích đáng kể cho Mỹ. Theo Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty của nước này đã đầu tư trực tiếp hơn 400 tỷ USD vào nhóm công ty xây dựng và các công ty khác ở xứ Cờ hoa, tạo ra khoảng 1,7 triệu việc làm cho lao động Mỹ. Tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn Viễn thông Softbank của Nhật Bản tuyên bố đầu tư 50 tỷ USD vào Mỹ, dự kiến tạo thêm 50.000 việc làm. Còn Tập đoàn Sharp Corp của xứ Hoa anh đào được cho là sẽ tiến hành xây dựng một nhà máy trị giá 7 tỷ USD tại Mỹ trong năm nay. Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, ông S.Abe cùng Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida sẽ đề xuất một kế hoạch hợp tác với chính quyền ông D.Trump, tạo ra 700.000 việc làm tại Mỹ thông qua gói đầu tư cơ sở hạ tầng công - tư.
Xung quanh lĩnh vực an ninh, Nhật Bản chắc chắn mong muốn Mỹ tiếp tục bảo đảm những cam kết của mình tại khu vực. Trong chuyến thăm gần đây, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã mô tả Nhật Bản như "một hình mẫu về sự chia sẻ chi phí cũng như gánh nặng" trong hoạt động an ninh quốc phòng, đồng thời bảo đảm Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hiệp ước an ninh giữa hai bên, duy trì lực lượng quân đội Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Okinawa và những nơi khác của Nhật. Ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng S.Abe, một quan chức cấp cao của Mỹ đã cho biết Tổng thống D.Trump sẽ phản đối bất kỳ tuyên bố đơn phương nào làm suy yếu quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Do vậy, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật là dịp để hai bên xóa bỏ những rào cản hoài nghi và cùng tạo ra một triển vọng mới cho mối quan hệ giữa đồng minh lâu năm này.