Liên minh Châu Âu: Đối mặt nhiều khó khăn
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:55, 12/03/2017
Tại các phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo EU tìm mọi cách xích lại gần nhau trong mục tiêu soạn thảo một tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố vào ngày 25-3 tại Rome (Italia), nhân kỷ niệm 60 năm ký kết hiệp ước thành lập liên minh này.
Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa kết thúc tại Brussels (Bỉ) có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng sự thống nhất, đoàn kết nội khối. |
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh EU đang bị tác động bởi sự kiện Anh rời khỏi khối và sự gia tăng chủ nghĩa dân túy làm dấy lên làn sóng hoài nghi về tương lai của liên minh. Do đó, cuốn "Sách Trắng về tương lai Châu Âu" được công bố mới đây tại Nghị viện Châu Âu đưa ra 5 kịch bản, thừa nhận rằng 27 thành viên còn lại của EU không thể cùng suy nghĩ và hành động như nhau, và việc nước Anh ra đi là dịp để xây dựng một mô hình hoàn toàn mới. Nhiều ý tưởng trong Sách Trắng và ý kiến của một số nước về một Châu Âu “đa tốc độ” đã được thảo luận thẳng thắn tại hội nghị lần này. Trong đó, nhiều thành viên hy vọng về những thay đổi hệ thống có thể nới lỏng những quan hệ nội EU, tăng cường vai trò của các nước trong cộng đồng. Một số quốc gia khác, ngược lại, hy vọng tìm kiếm một tầm vóc mới sâu sắc hơn về mức độ hòa nhập, ngay cả khi điều này có thể chưa được áp dụng cho một vài nước thành viên. Tuy nhiên, đã xuất hiện những bất đồng trong ý tưởng xây dựng Châu Âu theo hình thức “đa tốc”. Theo đó, các quốc gia thành viên có thể tự quyết những vấn đề liên quan tới mức độ hội nhập và liên kết khối cũng vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Các nước lớn trong khối như Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha ủng hộ đề xuất nhưng một số quốc gia Bắc và Đông Âu lo ngại “chính sách đa tốc” có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ và gây bất lợi cho họ.
Trên thực tế, một Châu Âu nhiều tốc độ không phải là ý tưởng mới mà nó đã được thực hiện, cụ thể là sự ra đời của không gian tự do đi lại Schengen và Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Câu chuyện một EU hai tốc độ, giữa Tây Âu giàu có và Trung - Nam Âu nghèo khó cũng đã được đề cập tới nhiều lần. Thế nhưng, việc những nhà lãnh đạo cao nhất của khối đề cập đến nó một cách công khai trong Sách Trắng cho thấy EU đang đứng trước những khó khăn thực sự.
Mới đây nhất, việc 4 nước Trung Âu gồm Ba Lan, Slovakia, Czech và Hungary kêu gọi EU đối xử bình đẳng với tất cả các nước thành viên là một ví dụ cho thấy điều đó. Những nước này quan ngại nếu họ không tham gia vào các quan hệ “hợp tác tăng cường” sẽ bị gạt ra rìa trong quá trình ra quyết định của khối và có nguy cơ trở thành “quốc gia hạng hai” trong liên minh. Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tuyên bố không ủng hộ sự đa tốc ở Châu Âu và EU phải có khả năng tự cải tổ. Ba Lan kiên quyết không chấp nhận bất cứ hành động nào làm nguy hại đến sự toàn vẹn thị trường chung của khu vực tự do đi lại Schengen và hơn hết là chính liên minh. Chưa bao giờ, sự chia rẽ, xu hướng phân ly, chia tách và tan rã… tại Lục địa già lại hiển hiện rõ như thế.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới tại Rome, EU sẽ phải khẳng định quan điểm “thống nhất trong đa dạng”. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, để đưa EU trở lại một thể thống nhất tương đối khó khăn, đặc biệt khi 28 thành viên không có khả năng tìm thấy tiếng nói chung trong rất nhiều lĩnh vực. Với những mối lo ngại chung mà các quốc gia thành viên đều đang phải đối mặt, như căng thẳng với Nga, chính sách với Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump hay sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy và dân tộc…, những thông điệp từ Hội nghị Thượng đỉnh tại Rome sắp tới sẽ rất quan trọng, quyết định đường hướng và ảnh hưởng lớn đến tương lai EU.