Tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria: Đã qua “giới hạn đỏ”?

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:24, 07/04/2017

(HNM) - Tia hy vọng hòa bình tại Syria vừa chợt lóe lên trong thời gian gần đây nhờ các cuộc đàm phán đa phương được đẩy mạnh, lại đứng trước nguy cơ bị chặn lại vì những căng thẳng liên quan tới vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhun.

Thị trấn Khan Sheikhun (Syria) sau vụ tấn công bằng hóa học.


Tương tự như nhiều sự vụ trước đó, các bên không ngừng đổ lỗi cho nhau tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) diễn ra ngay sau khi thông tin đã có hơn 100 người thiệt mạng và 400 người bị thương do khí độc tại thị trấn nhỏ bé thuộc tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria phát đi. Hiện tại, bộ ba Anh, Pháp, Mỹ chỉ trích quân đội Syria đã tiến hành vụ tấn công thảm khốc này trong khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad một mực phủ nhận. Dự thảo nghị quyết phản đối do Anh, Pháp, Mỹ soạn thảo gửi lên HĐBA LHQ đã đề nghị tiến hành điều tra toàn diện sớm nhất có thể và kêu gọi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) nhanh chóng báo cáo kết quả điều tra vụ tấn công. Dự thảo cũng đề nghị Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres báo cáo hằng tháng về sự hợp tác của Chính phủ Syria liên quan cuộc điều tra quốc tế này. Đại sứ Mỹ tại HĐBA LHQ Nikki Haley thậm chí còn cảnh báo, Washington có thể có hành động đơn phương nếu LHQ không đưa ra phản ứng phù hợp với vụ tấn công nói trên ở Syria.

Trong khi đó, Nga cho biết, các máy bay quân đội Syria đã phá hủy một xưởng sản xuất vũ khí hóa học do lực lượng nổi dậy kiểm soát. Tiếp tục khẳng định sự hỗ trợ cho lực lượng của Tổng thống B.Al-Assad, Nga đã đưa ra một dự thảo nghị quyết có nội dung đối lập và hoàn toàn không đề cập đến yêu cầu Chính phủ Syria hợp tác với cơ quan điều tra vụ tấn công. Mátxcơva cũng chỉ trích dự thảo nghị quyết của Anh, Pháp, Mỹ là nhằm chống Syria và có khả năng làm gia tăng căng thẳng tình hình vốn đã rất phức tạp tại khu vực.

Trong một thông báo mới nhất, các nhà chức trách Nga khẳng định, dự thảo nghị quyết của bộ ba nói trên thực tế là sự thúc đẩy chính sách gây bất ổn tại Syria, ngăn chặn tiến trình đàm phán giữa các bên vừa mới bắt đầu diễn ra. Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov còn cho rằng, cảnh báo trước đây của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Washington sẽ có hành động quân sự nếu "giới hạn đỏ" bị vượt qua và vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria đã khiến các nhóm khủng bố tiến hành tấn công bằng loại vũ khí này. Ông Safronkov nhấn mạnh: "Chúng tìm cách làm mất uy tín của chính quyền Damascus và tạo ra cái cớ cho việc sử dụng sức mạnh quân sự nhằm vào một nước có chủ quyền".

Theo một số phân tích, khu vực bị tấn công bằng vũ khí hóa học là một trong những thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria và là mục tiêu của các chiến dịch không kích không ngừng nghỉ của quân đội Chính phủ thời gian qua. Với vị trí nằm ở giao lộ giữa hai tỉnh Hama và Idlib, Khan Sheikhun được xem là trọng điểm cần nắm giữ đối với bất kỳ phe nào. Để giành quyền kiểm soát những vị trí chiến lược trong các cuộc xung đột, khó có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra. Không loại trừ khả năng, vì một mục đích nào đó, Khan Sheikhun bị biến thành cái cớ để các bên đẩy cuộc nội chiến Syria, vốn đã kéo dài hơn 6 năm đi xa hơn nữa.

Thống kê mới nhất của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, kể từ khi xung đột nổ ra tại Syria vào tháng 3-2011, đã có 321.000 người thiệt mạng và 144.000 mất tích. Hiện tại, khoảng 13,5 triệu người Syria cần được hỗ trợ nhân đạo ngay tại nước này trong khi 5 triệu người khác đã phải đi tị nạn. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các bên liên quan trong cuộc xung đột Syria đang làm gia tăng lo ngại về tiến trình hòa bình cũng như điểm kết cuối cùng cho cuộc xung đột.

Quỳnh Dương