Ai Cập bất ổn vì khủng bố tôn giáo

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:17, 11/04/2017

(HNM) - Tổng thống Ai Cập đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng trên cả nước sau hai vụ đánh bom nhằm vào hai nhà thờ Cơ đốc giáo làm ít nhất 44 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương.

Người dân thu dọn đổ nát bên ngoài nhà thờ Saint Mark sau vụ tấn công ngày 9-4.


Trong thông báo đưa ra cùng ngày, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố đứng sau cả hai vụ tấn công và cho biết đây là hành động của những kẻ đánh bom tự sát thực hiện. Trong đó, vụ việc tại nhà thờ Saint Mark ở thành phố Alexandria là do Abu Al-Baraa Al-Masri tiến hành, còn vụ ở Tanta, thành phố hạ lưu sông Nile, cách thủ đô Cairo gần 100km do Abu Ishaaq Al-Masri thực hiện. IS cũng đồng thời đưa ra lời đe dọa về các hành động bạo lực tiếp theo tại quốc gia Bắc Phi trong thời gian tới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngay trong ngày 9-4 đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới các gia đình nạn nhân, Chính phủ và người dân Ai Cập, đồng thời lên án mạnh mẽ hai vụ đánh bom đẫm máu vào thường dân vô tội. Ông A.Guterres cũng khẳng định LHQ hy vọng sớm đưa những kẻ gây tội ác ra trước công lý. Bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, Hội đồng Bảo an LHQ cũng lên án hai vụ tấn công, gọi đây là hành động hèn nhát, đồng thời cam kết tiếp tục sát cánh cùng Ai Cập và cộng đồng quốc tế chống lại sự tàn ác của chủ nghĩa khủng bố. Nhiều quốc gia, trong đó có Nga, Mỹ, Anh, Pháp... cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước sự tàn bạo của những kẻ đánh bom liều chết, đồng thời khẳng định đoàn kết với người dân Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan này. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định tội ác với động cơ tôn giáo lần này đã "gây sốc vì sự tàn ác và khả năng gieo rắc hoài nghi của nó". Bộ Ngoại giao Mỹ thậm chí còn gọi đây là những vụ tấn công “man rợ” nhằm vào người Cơ đốc giáo.

Bên cạnh vấn đề bạo lực, có thể thấy hai vụ tấn công mới nhất là biểu hiện rõ rệt hơn của hoạt động khủng bố nhằm vào cộng đồng tôn giáo thiểu số, do các lực lượng Hồi giáo cực đoan tiến hành trong thời gian qua tại Ai Cập. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với chính quyền của Tổng thống A.El-Sisi vốn đã cam kết sẽ bảo vệ những nhóm người này như một ưu tiên trong chiến dịch chống chủ nghĩa cực đoan mà ông đề ra.

Được biết, người Cơ đốc giáo chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 90 triệu dân tại Ai Cập. Tuy nhiên, đây lại là cộng đồng thiểu số Cơ đốc giáo lớn nhất tại Trung Đông. Nhóm cư dân này vốn không ít lần trở thành mục tiêu của những phần tử Hồi giáo cực đoan và vốn đã cảm thấy bất an hơn kể từ khi IS mở rộng địa bàn kiểm soát trên một khu vực rộng lớn từ Iraq tới Syria năm 2014. Thay vì chỉ tiến hành các hành động cực đoan vào lực lượng quân đội và cảnh sát tại bán đảo Sinai như trước đây, IS giờ đây đã chuyển mục tiêu của mình, đồng thời có xu hướng mở rộng hoạt động vào sâu trong lãnh thổ Ai Cập. Tháng 12-2016, lực lượng này đã tiến hành một vụ đánh bom tự sát tại nhà thờ Al Botrosia ngay tại Cairo cướp đi sinh mạng của 29 người. Hồi tháng 2-2017, nhiều gia đình và sinh viên Cơ đốc giáo đã phải bỏ chạy khỏi vùng Bắc Sinai sau hàng loạt các vụ tấn công đầy chết chóc do những kẻ khủng bố thực hiện. Những vụ việc như vậy được cho là cũng sẽ tạo ra nguy cơ về việc các cuộc nổi dậy nhỏ lẻ tại quốc gia này, vốn đã khiến Cairo phải đau đầu, chuyển thành cuộc chiến tôn giáo trên diện rộng. Theo một số ý kiến phân tích, đây có thể là hoạt động nhằm trả đũa những người Cơ đốc giáo tại Ai Cập vì họ đã thể hiện sự ủng hộ đối với chiến dịch đảo chính của Tổng thống A.El-Sisi hạ bệ cựu Tổng thống Mohamed Morsi xuất thân từ tổ chức Anh em Hồi giáo hồi năm 2013.

Tuy nhiên, dù vì bất cứ lý do gì, việc tiến hành các hành động khủng bố nhằm vào người dân thường vô tội là điều không thể chấp nhận. Thế nhưng, thay vì gây ra chia rẽ như những kẻ cực đoan mong muốn, những vụ việc gây chấn động và đau thương này dường như đang kéo cộng đồng quốc tế lại gần nhau hơn, cùng chung sức chống lại sự mở rộng của chủ nghĩa cực đoan và tìm kiếm hòa bình lâu dài cho nhân loại.

Hoàng Linh