Châu Âu đối mặt với sự chia rẽ

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:28, 13/04/2017

(HNM) - Sau cú sốc về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, việc thống nhất lập trường giữa 27 thành viên còn lại đang là vấn đề đáng nghi ngại.


Nói một cách khác, một Châu Âu "đa tốc độ" đang ngày càng lộ rõ khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về triển vọng tương lai của ngôi nhà chung sau 6 thập kỷ hình thành và phát triển. Điều này được thể hiện qua sự kiện gần đây nhất là cuộc họp của nguyên thủ 7 nước Nam EU (gồm Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Malta, Síp và Tây Ban Nha) tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha theo đề xuất của Thủ tướng nước chủ nhà Mariano Rajoy.


Trong thông cáo do Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra, mục tiêu của hội nghị nhằm truyền đi thông điệp đoàn kết và cam kết ủng hộ sự hội nhập Châu Âu trong một thời điểm lịch sử. Chương trình nghị sự tại Madrid chủ yếu bàn về những thách thức mà EU đang phải đối mặt như hệ lụy của Brexit, khủng hoảng người di cư... Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao một hội nghị để giải quyết những vấn đề có ảnh hưởng tới tương lai của EU chỉ có 7 quốc gia phía Nam (hay còn gọi là Câu lạc bộ Med) tham gia. Đây không phải lần đầu tiên Câu lạc bộ Med tổ chức họp riêng. Cách đây hơn 2 tháng, một hội nghị tương tự diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Trước đó, câu lạc bộ này cũng đã họp tại Athens (Hy Lạp) vào tháng 9-2016.

Theo ý kiến của nhiều nhà bình luận, việc các nước Nam EU trở nên chủ động và mạnh mẽ hơn trong các bước đi ngoại giao thời gian qua thể hiện rõ lập trường muốn tạo ra một tiểu khối trong nội bộ để phát đi các tiếng nói có trọng lượng hơn và tạo ảnh hưởng lớn hơn đối với đường lối phát triển trong tương lai của EU. Nói cách khác, sau nửa thập kỷ phải tuân thủ các chính sách khắc nghiệt về ngân sách và kỷ luật tiền tệ do nhóm các nước phía Bắc, dẫn đầu là Đức, áp đặt để đối phó với khủng hoảng nợ, Câu lạc bộ Med muốn tìm một con đường phát triển khác ưu tiên cho đầu tư và tăng trưởng nhằm tránh các đổ vỡ về xã hội như đã diễn ra ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Ý định của Med đang được hậu thuẫn mạnh mẽ nhờ vào sự hồi phục kinh tế của các nước vốn được coi là "mắt xích yếu" của nền kinh tế EU thời gian qua như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp. Năm 2016, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia là 0,9%. Các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp dường như đang giảm theo chiều hướng tốt, đứng ở mức 11,9% trong tháng 2 vừa qua, giảm nhẹ so với mức 12% trong tháng 1. Với Tây Ban Nha, 2016 có thể được xem là một năm lạc quan khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 3%. Còn Hy Lạp cũng đã phát đi những tín hiệu tích cực sau 7 năm vật lộn trong cơn "bão" nợ. Do đó, nhiều khả năng, thời gian tới, các nước Nam EU sẽ triển khai chiến dịch đòi hỏi những chính sách tài chính nới lỏng hơn.

Một lĩnh vực khác vốn gây nhiều tranh cãi trong nội bộ EU vừa qua là giải pháp đối với người nhập cư. Tại cuộc họp ở Madrid, nhóm 7 nước đã đưa ra đề nghị về một chính sách chung, toàn diện và một quỹ tài chính để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Trên thực tế, do vị trí nằm bên bờ Địa Trung Hải, suốt 2 năm qua, các nước Nam EU phải gồng mình hứng chịu làn sóng người tị nạn từ Châu Phi đổ về. Trong khi đó, việc chia sẻ trách nhiệm, tài chính giữa các thành viên trong liên minh đến nay vẫn chưa đạt được nhiều đồng thuận.

Sự trỗi dậy của các nước phía Nam EU cho thấy những đối kháng rõ nét hơn về chính sách của nhóm nước này với các nước phía Bắc. Trong khi đó, theo giới phân tích, những cuộc khủng hoảng bên trong và bên ngoài biên giới đang khiến khu vực này trở nên bất ổn và kém an toàn hơn. Sự chia rẽ ngày càng mở rộng được coi là thách thức, rào cản lớn mà EU phải đối mặt trong quá trình xây dựng một liên minh mạnh và đoàn kết như mục tiêu khối này đang hướng tới.

Quỳnh Dương