Sự mềm dẻo chiến lược

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:22, 17/04/2017

(HNM) - Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố Báo cáo ngoại tệ lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Theo đó, nước này vẫn giữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Thụy Sĩ trong danh sách giám sát ngoại hối, nhưng không liệt Trung Quốc là nước có hành vi thao túng tiền tệ. Báo cáo cũng nhận định Trung Quốc hiện đang có thặng dư thương mại song phương lớn với Mỹ, nên việc phải mở rộng hơn nữa thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ là điều cần thiết.

Như vậy, quyết định này đã hoàn toàn trùng khớp với tuyên bố của Tổng thống D.Trump cách đây ít ngày. Theo nhận định của giới chuyên môn, mặc dù Trung Quốc hiện nay chỉ vi phạm một trong 3 tiêu chí đối với việc thao túng tiền tệ được liệt kê trong báo cáo, nhưng thặng dư thương mại song phương của Trung Quốc với Mỹ (lên tới 347 tỷ USD trong năm 2016) vẫn đủ để bảo đảm kiểm soát các hoạt động thương mại và tiền tệ của Trung Quốc.

Trong lần đánh giá này, Bộ Tài chính Mỹ vẫn sử dụng 3 tiêu chí chính để xác định hành vi thao túng tiền tệ, vốn được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra vào năm ngoái gồm: Thặng dư thương mại song phương với Mỹ từ 20 tỷ USD trở lên, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu chiếm hơn 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mua ngoại hối duy trì mức 2% GDP trong 12 tháng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp gỡ đầu tháng 4 vừa qua.


Báo cáo cũng chỉ rõ, trong một thập kỷ qua, Trung Quốc có tham gia vào các can thiệp quy mô lớn một chiều để giữ giá đồng nhân dân tệ và chỉ cho phép đồng tiền tăng dần sau đó. Động thái này đã đặt ra "những khó khăn đáng kể và kéo dài đối với công nhân và các công ty Mỹ”. Vì vậy, dù không "mạnh tay" với Trung Quốc trong lần này, Bộ Tài chính Mỹ vẫn kêu gọi Bắc Kinh "nỗ lực hơn nữa trong việc minh bạch tỷ giá hối đoái, duy trì quản lý và mục tiêu đã đề ra". Washington cũng thúc giục Bắc Kinh cam kết sẽ không hạ giá đồng nội tệ như một giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế nội địa.

Điều đáng chú ý là động thái trên trái ngược hoàn toàn với cam kết của Tổng thống D.Trump trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái rằng ông sẽ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên cầm quyền. Sự thay đổi này cũng được ông chủ Nhà Trắng đưa ra sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ không lâu. Theo người đứng đầu nước Mỹ, bước đi như vậy là cần thiết để tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước cũng như trong nhiều vấn đề quốc tế.

Việc Mỹ đã một lần nữa chọn giải pháp kêu gọi Bắc Kinh thay đổi chính sách tiền tệ cũng nhằm tránh gây ra các cuộc chiến thương mại không cần thiết với chủ nợ lớn nhất của mình. Thêm vào đó, việc đưa ra những biện pháp trừng phạt cứng rắn với Trung Quốc là vấn đề phải cân nhắc kỹ lưỡng khi hầu hết các tiểu bang tập trung đông dân nhất của Mỹ như Washington, Louisiana, California, New York, Illinois... vẫn đang hưởng lợi từ việc duy trì quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc như hiện nay. Mặt khác, những bang như Nam Carolina, Tây Virginia hay Montana, vốn đang ở trong tình trạng thặng dư thương mại lớn với Trung Quốc, sẽ đối mặt những hậu quả khó lường nếu một cuộc chiến thương mại xảy ra giữa hai nước. Trong khi đó, Washington vẫn đang tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trong bối cảnh như vậy, dù theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại 1988 của Mỹ, Quốc hội nước này có quyền thực hiện các biện pháp trừng phạt lên đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thao túng nội tệ thì việc áp đặt thực sự thường không phải lựa chọn được người dân Mỹ hoan nghênh. Vì vậy, trừ khi có những lý do thực sự đặc biệt, ít nhà lãnh đạo Mỹ lựa chọn phương án không mong muốn này. Thực tế, kể từ lần cuối cùng Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ (năm 1994), những cáo buộc liên quan đến vấn đề này vẫn là phương án mang màu sắc ngoại giao nhiều hơn là kinh tế.

Hoàng Linh