Lựa chọn tối ưu!
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:23, 20/04/2017
Trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ trầm trọng sau cuộc trưng cầu dân ý ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, động thái của người đứng đầu chính phủ Anh được cho là phép thử dư luận đối với lộ trình Brexit vốn gây nhiều tranh cãi thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, bà T.May cũng mong muốn đảng Bảo thủ cầm quyền giành được nhiều ghế hơn tại Quốc hội để có thể dễ dàng thông qua những chính sách đàm phán với EU trong hai năm tới.
Thủ tướng Anh Theresa May tự tin trước cuộc bầu cử sắp tới. |
Trở thành người đứng đầu Chính phủ Anh vào tháng 7 năm ngoái sau khi người tiền nhiệm David Cameron từ chức do thất bại trong chiến dịch vận động cử tri bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU, bà T.May phải gánh vác trọng trách vô cùng khó khăn. Bà là người kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon khởi đầu hành trình Brexit, sắp xếp để "cuộc ly hôn" giữa Anh với EU diễn ra êm thấm mà vẫn bảo đảm những lợi ích cơ bản của nước này. Ngoài ra, một ưu tiên hàng đầu khác của bà là giữ cho nền kinh tế xứ Sương mù không bị tụt dốc hoặc rơi vào suy thoái.
Các thị trường tại Anh và đồng bảng đã chịu tổn thất nặng nề sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, trong khi khoản nợ công của Anh hiện đã vượt mức 1 nghìn tỷ bảng (1,3 nghìn tỷ USD), tương đương 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sau cuộc trưng cầu dân ý, các hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu như Standard & Poor's và Fitch đều đánh tụt mức tín nhiệm của Anh, đồng nghĩa rằng các nhà đầu tư đang mất dần sự tin tưởng vào việc Chính phủ nước này có thể quản lý các khoản nợ của mình. Tân Thủ tướng Anh cũng phải tìm cách ngăn các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Anh, đặc biệt là thủ đô London - nơi nhiều doanh nghiệp đặt tổng hành dinh toàn cầu hoặc trụ sở chính ở khu vực Châu Âu.
Chính vì những mục tiêu này nên ngay khi Thủ tướng T.May công bố kế hoạch Brexit cứng, tức là đưa xứ sở Sương mù rời khỏi EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, sự chia rẽ về kế hoạch tương lai của nước Anh ngày càng trở nên trầm trọng. Có đến 56% số người được hỏi phản đối kịch bản trên. Ngay cả những cử tri vốn trung thành với đảng Bảo thủ cầm quyền cũng không đồng ý hoàn toàn với kế hoạch. Trong khi đó, các nghị sĩ Công đảng đối lập liên tục đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ.
Do vậy, kêu gọi tổ chức bầu cử sớm là bước đi hoàn toàn khôn ngoan của nữ chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing khi đây là cách duy nhất để bảo đảm ổn định chính trị khi London xúc tiến quá trình đàm phán rời EU. Công dân Anh sẽ có cơ hội để thể hiện và bày tỏ những quan điểm của riêng mình về mối quan hệ trong tương lai giữa nước này và EU mà họ kỳ vọng. Bên cạnh đó, nếu đảng Bảo thủ giành chiến thắng, những người chỉ trích kế hoạch Brexit của Thủ tướng T.May sẽ phải im lặng để “bà đầm thép” thứ hai của xứ sở Sương mù toàn tâm toàn ý triển khai cuộc đàm phán khó khăn trong hai năm tới với EU.
Kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy, cơ hội để đảng Bảo thủ về đầu trong cuộc đua sắp tới không hề thấp. Mặc dù nhiều cử tri tỏ ra không đồng tình với Brexit cứng, song hiện tại, bà T.May hầu như không có đối thủ xứng tầm. Đảng Bảo thủ đang dẫn trước Công đảng đối lập với khoảng cách 21%. Một cuộc thăm dò dư luận khác cũng cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ bà T.May cũng cao hơn thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn tới 37%.
Nếu bầu cử được tiến hành, khả năng để đảng Bảo thủ kiếm thêm ghế, thay đổi tỷ lệ sít sao trong Quốc hội là rất cao. Vì thế, dù được cho là bất ngờ, nhưng việc Thủ tướng T.May kêu gọi bầu cử sớm không phải là bước đi mạo hiểm mà là lựa chọn tối ưu có thể giúp bà tìm được những hậu thuẫn vững chắc hơn trong quá trình đàm phán Brexit.