Hòa bình Trung Đông: Mục tiêu đầy trở ngại
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:31, 05/05/2017
Tổng thống Palestine M.Abbas (trái) trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ D.Trump tại Washington (Mỹ) ngày 3-5. |
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử cuộc xung đột kéo dài gần 7 thập kỷ giữa Palestine và Israel, có thể thấy rằng, các bên liên quan cần nhiều nỗ lực, thiện chí và cả sự chân thành mới có thể vận hành “cỗ xe hòa bình” khỏi bị chệch hướng như đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ.
Không biết bao nhiêu lần, tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine tái khởi động rồi lại đình trệ. Qua nhiều thập kỷ, những nỗ lực nhằm xây dựng một nền hòa bình cho người Palestine vẫn chưa đến đích. Vì không có sự nhượng bộ, các bên không thể đưa ra những giải pháp cho các vấn đề gai góc như đường biên giới cho nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây… Các cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine đã gần như sụp đổ kể từ tháng 9-2010, khi Israel coi các khu định cư của người Palestine được xây dựng mà không có sự chấp thuận của Chính phủ Israel là phạm pháp và thường triển khai nhân viên an ninh tới phá dỡ, đồng thời từ chối ngừng hoạt động xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của người Palestine.
Nhìn vào những tuyên bố của ông D.Trump kể từ khi đắc cử, có thể khẳng định, chưa có một vị tổng thống Mỹ nào đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc giải quyết vấn đề Trung Đông như vậy. Cũng chưa có bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào đặt quyền lực thương thuyết một vấn đề quan trọng như vậy vào tay của cố vấn thân cận nhất và cũng là con rể của mình. Dường như ông D.Trump mong muốn tạo dấu ấn của gia đình trong các cuộc thảo luận về một trong những cuộc xung đột dai dẳng nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không thể chắc chắn liệu những cam kết của ông chủ Nhà Trắng sẽ trở thành hiện thực khi đi cùng những tuyên bố mạnh mẽ là nhiều động thái mâu thuẫn. Vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, Tổng thống Mỹ D.Trump đang xem xét nghiêm túc việc chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Việc này, nếu được triển khai, sẽ là hành động công nhận chủ quyền của Israel trên toàn bộ khu vực đang tranh chấp Jerusalem. Đây là điều Palestine cho là sẽ phá hủy tiến trình hòa bình Trung Đông. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông D.Trump cũng từng bày tỏ thất vọng khi Mỹ bỏ phiếu trắng giúp Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên kể từ năm 1979 về việc lên án chính sách phát triển các khu định cư của Israel trên lãnh thổ Palestine.
Để thực hiện tham vọng trở thành tổng thống Mỹ hóa giải thành công cuộc xung đột Israel - Palestine, trước hết, ông D.Trump phải thuyết phục được Israel chấm dứt hoàn toàn xây dựng trái phép trên phần đất đang chiếm đóng của người Palestine, đồng ý với giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình, công nhận độc lập, chủ quyền của Palestine. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Ngay từ khi lên nắm quyền vào năm 2009, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã theo đuổi chính sách cứng rắn trong vấn đề Palestine. Ông cũng là người đưa ra nhiều quyết định mở rộng khu định cư của Israel trên phần lãnh thổ của Palestine. Những chính sách bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ của ông B.Netanyahu đã góp phần đưa tiến trình hòa bình Trung Đông vào ngõ cụt.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Palestine M.Abbas không mang lại nhiều hiệu quả như mong đợi nếu như chính quyền mới ở Washington không thúc ép được đồng minh Tel Aviv quay lại bàn đàm phán một cách thiện chí. Tuy nhiên, việc người đứng đầu nước Mỹ thể hiện quyết tâm khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn mang đến niềm hy vọng cho người dân Palestine dẫu rằng đích đến cuối cùng, hay nói chính xác là một bản hòa ước nghiêm túc giữa các bên liên quan vẫn là một mục tiêu đầy trở ngại.