Thách thức "bủa vây" tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 11:07, 10/05/2017

(HNMO) - Chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc không đồng nghĩa với một nhiệm kỳ trải hoa hồng đối với ông Moon Jae-in sau khi nhậm chức.

Ngay sau khi lên nắm quyền, vị tân Tổng thống sẽ phải bắt tay vào việc giải quyết những thách thức lớn như mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, mối quan hệ đồng minh với các cường quốc, một nền kinh tế trì trệ và một xã hội đang bị chia rẽ.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.


Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên

Xuất thân từ một gia đình tị nạn tới từ Triều Tiên, ông Moon có chủ trương đối thoại ôn hòa với Bình Nhưỡng. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã nhiều lần nhấn mạnh khả năng mở ra các cuộc đàm phán với Triều Tiên và tỏ ý sẵn sàng gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, mối quan hệ liên Triều hiện vẫn đang trong giai đoạn đầy sóng gió, khi Bình Nhưỡng tuyên bố chuẩn bị thử hạt nhân lần 6 bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Mong muốn của ông Moon trong việc nối lại các cuộc đối thoại và viện trợ kinh tế đối với Triều Tiên có thể sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ trong nước, bởi phe bảo thủ Hàn Quốc luôn lo ngại, việc nối lại quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng có thể sẽ tạo ra nguồn tài chính để chính quyền Kim Jong-un đẩy mạnh hơn nữa các chương trình hạt nhân và tên lửa đầy tham vọng.

Mối quan hệ với hai cường quốc: Mỹ và Trung Quốc

Trong mối quan hệ với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, tân Tổng thống Hàn Quốc cần có một chính sách đối ngoại khéo léo và thông minh. Chính quyền Mỹ đang thể hiện một phương pháp tiếp cận nhiều mâu thuẫn đối với vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Một mặt, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp quân sự đơn phương chống lại Triều Tiên, nhưng mặt khác lại tuyên bố “rất vinh dự” nếu gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Một mặt, ông Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc, nhưng mặt khác lại yêu cầu Seoul trả tiền cho hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Mỹ lắp đặt.

Trong khi đó, Trung Quốc lại liên tục phản đối việc lắp đặt hệ thống THAAD ở Hàn Quốc, đưa Seoul vào thế khó khi đứng giữa hai cường quốc. Làm thế nào để đưa ra những sách lược ngoại giao mềm dẻo và hiệu quả với Trung Quốc sẽ là một thách thức lớn đối với chính quyền mới tại Hàn Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul với tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm lên tới 131 tỷ USD.

Vực dậy nền kinh tế trì trệ

Vụ bê bối gây rúng động của Tổng thống tiền nhiệm Park Geun-hye cho thấy, nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào các tập đoàn gia đình mà Samsung là một ví dụ điển hình. Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon cam kết sẽ vực dậy nền kinh tế trì trệ, trong khi giảm bớt quyền lực của các tập đoàn gia đình. Đây là một công việc không hề dễ dàng khi các tập đoàn này từ lâu đã giữ vai trò thống trị trong nhiều lĩnh vực trụ cột như sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trên cương vị Tổng thống, ông Moon còn phải tìm cách giải quyết nhiều vấn đề kinh tế quan trọng khác như nợ công tăng cao, tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao kỷ lục.

Gắn kết một xã hội chia rẽ

Vụ bê bối của bà Park Geun-hye đã làm chao đảo chính trường và gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc giữa một phe đòi hỏi cải cách kinh tế, chính trị sâu rộng và phe kia là những người vẫn luôn bênh vực và cảm thông với cựu Tổng thống bị phế truất. Hàng loạt cuộc biểu tình thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân Hàn Quốc đầu năm 2017 cho thấy Seoul cần có những cải cách thực sự về chính trị, thể chế và tính minh bạch để gia tăng niềm tin trong dân chúng. Tuy nhiên, việc tạo ra những cải cách mạnh tay không hề dễ dàng bởi ông Moon chèo lái đất nước trong khi đảng của ông không chiếm thế đa số tại Quốc hội. Để thông qua những chính sách quan trọng, ông Moon cần đàm phán, thuyết phục để có được sự ủng hộ từ các đảng phái chính trị khác.

Hồng Anh