Khẳng định chính sách Trung Đông mới
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:26, 23/05/2017
Đặc biệt, với việc chọn Saudi Arabia là chặng dừng chân thứ nhất trong hành trình, dường như nhà lãnh đạo Mỹ muốn nỗ lực đoàn kết với cộng đồng tôn giáo lớn nhất thế giới và trấn an các đồng minh quan trọng trong khu vực.
Tổng thống Mỹ D.Trump đã có bài phát biểu trước hơn 40 nhà lãnh đạo Hồi giáo và các nước Arab tại Saudi Arabia. |
Thực tế, quan hệ Mỹ - Saudi Arabia thời gian qua cũng không mấy tốt đẹp. Lệnh hạn chế nhập cảnh nhằm vào công dân 7 nước Hồi giáo cùng việc Quốc hội Mỹ cho phép những người may mắn sống sót và gia đình các nạn nhân khác trong vụ khủng bố 11-9-2001 khởi kiện Chính phủ Saudi Arabia vào năm ngoái đã ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai nước. Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng việc tới Saudi Arabia, trung tâm của đạo Hồi, trong chuyến công cán nước ngoài đầu tiên là cách giúp ông có thể thuyết phục thế giới Hồi giáo về sự thiện chí hợp tác thực sự. Ở chiều ngược lại, Saudi Arabia vẫn rất coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ dù không hài lòng với thái độ của Washington dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama trong các vấn đề hạt nhân Iran, chiến tranh Syria, Iraq và Yemen… Vì vậy, vương quốc Hồi giáo này mong muốn quan hệ hai nước cũng như ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông sẽ được tăng cường dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Kết quả không nằm ngoài kỳ vọng. Các thỏa thuận quân sự, kinh tế, an ninh và chống khủng bố trị giá 380 tỷ USD đã được ký kết báo hiệu sự nồng ấm trở lại trong quan hệ giữa hai đồng minh cũng như với các quốc gia trong thế giới Arab. Cam kết khổng lồ này bao gồm cả thỏa thuận quân sự trị giá 110 tỷ USD, được nhà lãnh đạo Mỹ và giới chức Nhà Trắng mô tả là hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với Chính phủ Mỹ, thương vụ này sẽ giúp bảo đảm an ninh cho Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh trước các mối đe dọa từ Iran, đồng thời tăng cường năng lực của Riyadh trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực, giúp giảm gánh nặng đối với các lực lượng quân sự của Mỹ.
Một điểm nhấn nữa của chuyến đi là bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Donald Trump trước hơn 40 nhà lãnh đạo Hồi giáo và các nước Arab ở Riyadh. Bài diễn văn được xem như sự kiện lớn tương tự như bài phát biểu mang tính bước ngoặt của cựu Tổng thống B.Obama ở Cairo, Ai Cập năm 2009 về quan hệ với người Hồi giáo. Trên hết, cuộc đối thoại này đã phác thảo tầm nhìn của vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ về hợp tác giữa cường quốc số 1 hành tinh với thế giới Hồi giáo. Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh nước Mỹ không gây chiến với đạo Hồi, đồng thời khẳng định cuộc chiến chống các nhóm khủng bố là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác chứ không phải cuộc xung đột giữa các niềm tin, các nhóm tôn giáo hay các nền văn minh khác nhau. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nêu rõ Washington mong muốn siết chặt quan hệ hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại nơi được xem như “cái nôi của đạo Hồi” đã để lại dấu ấn quan trọng và thu hút sự chú ý của dư luận. Đây cũng là cử chỉ đầy thiện chí được kỳ vọng sẽ giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump cải thiện mối quan hệ “sóng gió” với cộng đồng theo đạo Hồi. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng về các chính sách chống khủng bố và củng cố quan hệ đồng minh với các nước thân cận ở Trung Đông.
Có thể thấy, ông Donald Trump đang thể hiện một sự khác biệt so với các chính quyền tiền nhiệm khi lựa chọn thế giới Hồi giáo là điểm nhấn đầu tiên về chính sách đối ngoại. Quyết định của người đứng đầu nước Mỹ được xem là tín hiệu rõ ràng về mong muốn củng cố mối quan hệ thân cận với đồng minh quan trọng nhất của Washington ở Trung Đông trong nhiều thập niên qua.