Tìm tiếng nói chung
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:24, 23/06/2017
Đây là một trong 4 hình thức cấp cao nhất trong cơ chế đối thoại toàn diện được đưa ra tại cuộc gặp Mar-a-Lago giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang Florida (Mỹ) vào tháng 4 vừa qua.
Cuộc đối thoại an ninh - ngoại giao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra tại Washington ngày 21-6. |
Thực chất, đối thoại an ninh - ngoại giao theo mô hình 2 + 2 là cơ chế thay thế các nội dung an ninh trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung thường niên dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Hình thức này được coi là tái cấu trúc các cuộc đối thoại quá tải trước đây. Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thuộc Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton nhận định, Mỹ tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ mang tính xây dựng, có định hướng rõ ràng với Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì liên hệ chặt chẽ với các đồng minh thân cận tại khu vực. Đối thoại an ninh - ngoại giao giúp hai nước có cơ hội tập trung vào các vấn đề an ninh quan trọng hơn so với các cuộc đối thoại chiến lược trước đây, đồng thời tạo khuôn khổ để “gán” cho Trung Quốc trách nhiệm cụ thể trong việc tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế và duy trì hòa bình, an ninh chung.
Đúng như dự báo của giới phân tích, bán đảo Triều Tiên là vấn đề “phủ bóng” chương trình nghị sự tại cuộc đối thoại lần này. Ngay trước thềm sự kiện, Tổng thống Donald Trump tuyên bố các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thuyết phục Triều Tiên kiềm chế chương trình hạt nhân đã thất bại. Trung Quốc bị các nước phương Tây cáo buộc không thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với Triều Tiên, khiến Washington buộc phải xem xét hình phạt “thứ cấp” đối với các ngân hàng Trung Quốc và các công ty đang có hoạt động làm ăn kinh doanh với Triều Tiên.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã nỗ lực không ngừng để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vì lợi ích của chính quốc gia này chứ không phải do áp lực từ bên ngoài. Cuộc đối thoại cũng diễn ra trong bối cảnh vệ tinh Mỹ ghi nhận hàng loạt hoạt động tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời cái chết của sinh viên người Mỹ Otto Warmbier sau 17 tháng bị giam giữ tại Triều Tiên đã làm phức tạp thêm cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các thách thức an ninh từ Bình Nhưỡng. Dù vậy, những lựa chọn quân sự mà phía Mỹ cho rằng vốn đã sẵn sàng từ lâu lại được các cố vấn của Tổng thống Donald Trump đánh giá là không mang lại hiệu quả thiết thực bằng áp lực về kinh tế và ngoại giao. Do đó, trong cuộc đối thoại lần này, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là thúc giục Trung Quốc - với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - gây áp lực nhằm thay đổi các toan tính của chính quyền Bình Nhưỡng.
Trong cuộc họp báo sau đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ R.Tillerson cho biết hai bên đã nhất trí về một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ liên tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc có trách nhiệm gây áp lực kinh tế và ngoại giao lớn hơn lên chính quyền Bình Nhưỡng, nếu không muốn căng thẳng tiếp tục gia tăng tại khu vực. Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, phiên đối thoại an ninh - ngoại giao đầu tiên cũng thảo luận một số nội dung khác như tranh chấp Biển Đông, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, thúc đẩy quan hệ quân sự Mỹ - Trung. Về Biển Đông, phía Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do lưu thông cũng như ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp hiện nay.
Ngoại trưởng Mỹ R.Tillerson từng nhận định, cả Mỹ và Trung Quốc cùng ý thức được rằng, quan hệ giữa hai nước đang ở những thời khắc then chốt. Bởi vậy, các cuộc đối thoại song phương dù với nội dung gì cũng sẽ tập trung vào việc tìm tiếng nói chung để quan hệ Mỹ - Trung duy trì ổn định và tránh những xung đột trong 50 năm tới.