“Ông lớn” mạng xã hội vào cuộc

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:29, 27/06/2017

(HNM) - Trong một nỗ lực phối hợp chống khủng bố toàn cầu, mạng xã hội có số người dùng lớn nhất thế giới là Facebook đã chọn Anh là quốc gia đầu tiên để triển khai chương trình

Facebook đang nỗ lực chống truyền bá tư tưởng cực đoan trên mạng của mình.


Mục tiêu của “Gã khổng lồ” này là kiềm chế ngôn ngữ thù địch và truyền bá tài liệu cực đoan trên các dịch vụ của mình. Chương trình bao gồm việc đào tạo các tổ chức phi chính phủ nhằm giúp họ giám sát và phản hồi lại nội dung bạo lực, cũng như thiết lập văn phòng hỗ trợ để họ có thể liên lạc trực tiếp với Facebook. Ngoài ra, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được sử dụng để tìm kiếm, loại bỏ những nội dung tuyên truyền khủng bố và bảo vệ người tham gia internet, không để họ bị kích động hoặc dụ dỗ.

Động thái của Facebook được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây, các công ty công nghệ đang đối mặt với áp lực rất lớn về việc quản lý môi trường mạng xã hội mà mình cung cấp. Kể từ khi các vụ tấn công khủng bố leo thang, những công ty này ngày càng nhận được nhiều đơn yêu cầu cung cấp thông tin từ các chính phủ. Gần đây nhất, Chính phủ Anh liên tục lên tiếng chỉ trích các công ty internet ở Thung lũng Silicon (Mỹ) vì không có những hành động nhanh chóng để ngăn chặn, gỡ bỏ những tài liệu có nội dung cực đoan, khủng bố khiến nước này liên tiếp hứng chịu những vụ tấn công ở London và Manchester. Thủ tướng Anh Theresa May đã tìm cách tranh thủ ý kiến của công dân để buộc các công ty internet của Mỹ hợp tác chặt chẽ với chính phủ thay vì đề xuất các bộ luật hoặc chính sách mới. Bên cạnh đó, bà T.May còn kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) tham gia vào việc gây áp lực lên các công ty công nghệ để loại bỏ nội dung khủng bố bằng tất cả các ngôn ngữ khỏi internet.

Trên thực tế, cả Facebook, Google và Twitter đều khẳng định, suốt 2 năm qua, đội ngũ chuyên gia của họ luôn cố gắng kiểm duyệt, gỡ bỏ những nội dung mang tính cực đoan và đã làm giảm đáng kể việc sử dụng mạng xã hội nhằm tuyển mộ những người theo chủ nghĩa cực đoan.

Theo thống kê từ Cục An ninh Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyển được hơn 30.000 chiến binh nước ngoài vào hàng ngũ của chúng thông qua các trang mạng xã hội để chiến đấu tại Syria và Iraq. Nguy hiểm hơn, các nhóm khủng bố, Hồi giáo cực đoan đang nhắm vào giới trẻ, tương lai của thế giới. Phác thảo quá trình tuyển mộ trực tuyến của IS, các chuyên gia công nghệ cho rằng, những kẻ tuyển mộ xác định mục tiêu tiềm năng bằng cách theo dõi các chủ đề trò chuyện trên Facebook, sau đó tìm cách lôi kéo, kích động các đối tượng có tư tưởng cực đoan tham gia.

Khó khăn nhất đối với các hãng internet hiện nay là việc kiểm soát và đánh giá xem tin, bài nào đang cổ xúy cho tư tưởng cực đoan. Bởi nội dung này có thể được mã hóa chỉ có các thành viên trong nhóm khủng bố mới có thể hiểu. Các quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng khẳng định, việc sử dụng mã hóa là một trong những “mánh” chủ yếu của những kẻ khủng bố nhằm che mắt cơ quan điều tra. Đơn cử là việc những tên khủng bố tại Paris (Pháp) đã sử dụng phần mềm WhatsApp và Telegram, hai phần mềm mã hóa có khả năng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng ở mức cao và rất khó giải mã, để liên lạc và che giấu tung tích. Đây là một thử thách lớn đối với các hãng công nghệ.

Hy vọng với sự nỗ lực tham gia của các "ông lớn", có tầm ảnh hưởng như Facebook, người dùng mạng xã hội sẽ có một môi trường mạng internet trong sạch hơn, giảm bớt nguy cơ hình thành tư tưởng cực đoan vốn là thách thức lớn đối với an ninh toàn cầu.

Phương Quỳnh