Thúc đẩy quan hệ hợp tác Ấn Độ - Mỹ: Đôi bên cùng có lợi
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:44, 28/06/2017
Chuyến thăm của ông N.Modi diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ về kinh tế và thương mại song phương giữa hai nước đang khá căng thẳng. Từ khi đắc cử, ông D.Trump liên tiếp đưa ra những tín hiệu trái chiều về các mối ưu tiên của nước Mỹ, gây khó hiểu cho Ấn Độ, điển hình là về vấn đề khủng bố tại Pakistan. Thêm vào đó, Ấn Độ là nước ủng hộ mạnh mẽ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, còn chính quyền Mỹ vừa rút khỏi thỏa thuận này.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng N.Modi và Tổng thống D.Trump là nền tảng quan trọng cho quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ. |
Dù vậy, sự chào đón nồng nhiệt mà Tổng thống D.Trump dành cho Thủ tướng N.Modi đã khiến dư luận thế giới bất ngờ. Hai bên đạt được nhiều đồng thuận, trong đó bao gồm việc hợp tác chống khủng bố; nỗ lực giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên; thống nhất kêu gọi Pakistan không để các lực lượng khủng bố lợi dụng lãnh thổ… Thủ tướng N.Modi cũng bày tỏ mong muốn nâng cấp mối quan hệ Đối tác chiến lược lên một tầm cao mới.
Đánh giá Ấn Độ là đối tác an ninh quan trọng và tin cậy, Tổng thống Mỹ tin tưởng hai bên sẽ sớm dỡ bỏ những rào cản trong quan hệ thương mại song phương. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ vẫn ở mức rất cao (gần 31 tỷ USD trong năm 2016). Ông chủ Nhà Trắng thường xuyên chỉ trích thị thực H1-B (chương trình thị thực nhằm thu hút lao động tay nghề cao vào Mỹ làm việc trong một số lĩnh vực cụ thể), với lý do bị các công ty gia công lợi dụng để đưa nhân công giá rẻ đến Mỹ lao động. Theo ước tính, cộng đồng người Ấn tại Mỹ hiện là khoảng 5 triệu người - một con số không hề nhỏ.
Mặc dù vậy, việc ông D.Trump lần đầu ăn tối cùng một nhà lãnh đạo nước ngoài tại Nhà Trắng cho thấy tín hiệu Mỹ rất coi trọng mối quan hệ với Ấn Độ. Nói cách khác, cuộc gặp lần này là tiền đề quan trọng để hai nhà lãnh đạo xây dựng nền tảng cho mối quan hệ lâu dài, theo hướng đôi bên cùng có lợi. Hiện Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Ấn Độ, còn Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Năm 2016, trao đổi thương mại và dịch vụ hai chiều đạt khoảng 114,8 tỷ USD.
Ngoài hợp tác kinh tế, hai nước còn hợp tác về chống khủng bố toàn cầu, quốc phòng và an ninh hàng hải. Với thực tế ấy, việc nâng cấp quan hệ Mỹ - Ấn Độ là phương án an toàn, hiệu quả giúp Washington vừa giảm rủi ro vừa gia tăng ảnh hưởng. Tăng cường quan hệ song phương với Ấn Độ cũng là điều được Quốc hội Mỹ và người dân hai nước đồng tình bởi Ấn Độ là nước đang trên đà phát triển, có thể chia sẻ và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 trị giá 366 triệu USD cho New Dehli, đồng thời đề xuất bán các máy bay không người lái Predator của General Atomics Aeronautical Systems (tổng trị giá 2 tỷ USD), nhằm giúp Ấn Độ tăng cường hoạt động giám sát trên Ấn Độ Dương.
Có thể thấy, qua cuộc gặp, cả hai cường quốc đều mong muốn thắt chặt mối quan hệ song phương trong thời gian tới. Đối với dư luận quốc tế, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại tỏ ra lo ngại rằng bất ổn có thể gia tăng ở khu vực Nam Á khi những thỏa thuận cung cấp công nghệ quốc phòng cho thấy Mỹ đang muốn New Delhi hiện đại hóa quân đội, củng cố vai trò dẫn dắt trong khu vực như một đồng minh của Washington.