Thận trọng vì tương lai hòa bình
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:37, 18/07/2017
Trong cuộc hội đàm mới đây tại Paris với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống E.Macron nhấn mạnh luật pháp quốc tế phải "được tất cả các bên tôn trọng", hàm ý nói tới hoạt động xây dựng nhà định cư liên tiếp của Israel trên các phần đất chiếm đóng của người Palestine.
Thủ tướng Israel B.Netanyahu (trái) và Tổng thống Pháp E.Macron tại Paris, Pháp. |
Hồi đầu tháng 7, ông E.Macron đã gặp Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và cho biết bất kỳ thỏa thuận nào về hòa bình ở Trung Đông cũng đều phải thừa nhận quyền hợp pháp có một nhà nước độc lập của người Palestine, đồng thời bảo đảm an ninh cho phía Israel. Không có một giải pháp tin cậy nào có thể thay thế cho giải pháp hai nhà nước để đem lại hòa bình cho khu vực này.
Israel đã chiếm Đông Jerusalem và Bờ Tây của Palestine trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ nước mình mà không được cộng đồng quốc tế công nhận. Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt", trong khi người Palestine muốn phần Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai.
Chính phủ liên minh của Thủ tướng B.Netanyahu hiện nay được cho là chính phủ thiên hữu nhất trong lịch sử Israel. Các bộ trưởng chủ chốt trong Chính phủ này đều phản đối giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Israel - Palestine. Trong một diễn biến mới nhất, các bộ trưởng Israel đã thông qua một dự luật nhằm cản trở Chính phủ trao một phần Jerusalem cho người Palestine.
Các nhà phân tích cho rằng giải pháp hai nhà nước là chìa khóa để giải quyết xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Palestine và Israel. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã nhiều lần bị đình trệ rồi lại tái khởi động. Những bất đồng giữa hai bên bao gồm: Đường biên giới cho Nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây, số phận người tị nạn Palestine tại các vùng đất do Israel chiếm đóng… Các cuộc đàm phán hòa bình Israel - Palestine do Mỹ làm trung gian đã bị đình trệ từ năm 2014. Căng thẳng giữa Israel và Palestine càng bị đẩy lên cao khi Israel đã xây dựng hàng nghìn nhà định cư ở bên trong và xung quanh Đông Jerusalem. Trước tình hình đó, tháng 6-2016, Pháp đã chủ trì một hội nghị quốc tế về tiến trình hòa bình Israel - Palestine. Đây là bước đi cụ thể đầu tiên của chính quyền Tổng thống Francois Hollande nhằm cứu vãn tiến trình hòa bình đang “ngắc ngoải”. Trong khi chính quyền Palestine hoan nghênh sáng kiến của Pháp và vận động các nước ủng hộ nỗ lực này thì phía Israel lại tìm cách gây cản trở. Thủ tướng B.Netanyahu liên tục bác bỏ khả năng tham gia vào bất kỳ nỗ lực đa phương nào.
Thế nên, trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống E.Macron và Thủ tướng B.Netanyahu, điểm đáng chú ý là nhà lãnh đạo Pháp đã không đề cập chút nào đến quan điểm trước đây của cựu Tổng thống F.Hollande. Thay vào đó, tân Tổng thống Pháp kêu gọi Israel tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt trong vấn đề xây dựng các khu định cư Do Thái tại các vùng đất chiếm đóng. Vị Tổng thống 39 tuổi này đã dùng ngôn từ rất ngoại giao để nói về cuộc xung đột khi kêu gọi Israel và Palestine nối lại các cuộc đàm phán, tuyên bố nước Pháp sẽ thực hiện tất cả các nỗ lực ngoại giao cần thiết để hướng tới giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình.
Các nhà phân tích đánh giá, ông E.Macron đã có một cách tiếp cận tương đối thận trọng và tránh xung đột tối đa với phía Israel trong cuộc gặp đầu tiên trên cương vị Tổng thống Pháp với Thủ tướng B.Netanyahu. Điều này được giải thích trước hết là bởi tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine là một khúc mắc lịch sử phức tạp, kéo dài nhiều thập kỷ nên ông E.Macron không muốn có bất cứ động thái sai lầm nào. Sự thận trọng này còn cho thấy, Pháp và dư luận quốc tế đang thực sự lo ngại vì triển vọng hòa bình cho Trung Đông ngày càng khó thành hiện thực, thậm chí bạo lực có thể nhấn chìm Israel và Palestine.