Khó tìm tiếng nói chung

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:14, 21/07/2017

(HNM) - Kết thúc bằng một cuộc họp báo bị hủy bỏ và không hề có tuyên bố chung, cuộc gặp giữa các quan chức kinh tế cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc tuy đạt được nhất trí hợp tác giảm thâm hụt thương mại, song lại chưa có đột phá nào.

Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ - Trung năm 2017 đã kết thúc trong bầu không khí ảm đạm.


Đáng chú ý, cuộc đối thoại kinh tế toàn diện giữa hai nước lần này cũng diễn ra vào thời điểm “Kế hoạch 100 ngày” nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vừa kết thúc không mấy sáng sủa. Kể từ sự khởi đầu tốt đẹp bằng một thỏa thuận thương mại song phương ngày 11-5 cho phép nối lại việc xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc sau 14 năm gián đoạn, đưa các loại thực phẩm gia cầm nấu chín của Trung Quốc trở lại thị trường Mỹ…, những nỗ lực giải quyết các tranh chấp ngày càng mờ nhạt dần và không có tiến triển cụ thể hơn. Vì vậy, khá nhiều kỳ vọng đã dồn vào cuộc đối thoại lần này.

Tuy nhiên, kết quả lại không được như ý. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn có những thành công rõ rệt trong việc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, đoàn đàm phán Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn đầu đã thể hiện quan điểm khá rõ ràng. Ngay trong bài phát biểu khai mạc cuộc đối thoại kinh tế toàn diện lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, ông Ross đã đề cập tới vấn đề thặng dư thương mại đến 347 tỷ USD (trong năm 2016) của Trung Quốc đối với Mỹ. Bằng những từ ngữ cứng rắn một cách bất thường, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cũng nêu rõ con số chiếm tới một nửa thâm hụt thương mại của nước này với các nước khác trên thế giới không phải là kết quả của động lực do thị trường tự do tạo ra. Do đó, mối quan hệ kinh tế hai bên cần thay đổi theo chiều hướng "công bằng hơn, vô tư hơn và có đi có lại hơn" thông qua việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Mỹ đến thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu của Mỹ, trong 5 tháng đầu năm 2017, con số thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc đã lên tới ngưỡng 138 tỉ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2016. Sau cuộc gặp, hai quan chức kinh tế Mỹ cũng đưa ra tuyên bố tái khẳng định các nguyên tắc về cân bằng, bình đẳng trong thương mại sẽ tiếp tục định hướng lập trường của Washington nhằm tạo cho người lao động và các công ty của Mỹ cơ hội cạnh tranh trên một sân chơi công bằng.

Đáp lại, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương chỉ đưa ra nhận định hai nước nên duy trì đối thoại lành mạnh và không nên đi vào thế đối đầu về thương mại, điều đó sẽ phá hủy lợi ích của cả hai bên. Theo các nhà phân tích, quan điểm của người đứng đầu phái đoàn Bắc Kinh không quá khó hiểu bởi lẽ Trung Quốc hiện đang hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế với Mỹ. Vì thế, quốc gia đông dân nhất thế giới chắc chắn muốn kéo dài các chương trình nghị sự, đồng thời né tránh các cuộc chiến kinh tế với Mỹ hơn là thay đổi tức thời cách quản lý thương mại.

Bên cạnh đó, những bất đồng giữa hai bên còn xuất hiện cả trong phần lớn các lĩnh vực quan trọng. Mỹ yêu cầu được tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc, giảm lượng thép dư thừa từ nước này, đề nghị Bắc Kinh giảm thuế ô tô, cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, chấm dứt các quy định về khoanh vùng số liệu và mức sở hữu trần của doanh nghiệp nước ngoài. Đó là chưa kể việc Tổng thống D.Trump cũng đang muốn dùng các công cụ kinh tế để thương lượng với Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Có thể thấy, cuộc gặp lần này phản ánh sự khác biệt khá lớn trong quan điểm về quan hệ thương mại song phương giữa Bắc Kinh và Washington. Thậm chí, một số tờ báo lớn còn nhận định “tuần trăng mật” ngắn ngủi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ như đã khép lại. Tuy nhiên, mong muốn tìm tiếng nói chung của hai nền kinh tế vẫn tiếp tục được thể hiện. Để làm được điều này, cần sự nỗ lực mở rộng đối thoại và tạo điều kiện cho những đàm phán song phương thuận lợi hơn.

Hoàng Linh