Diễn biến mới tại điểm nóng dai dẳng
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:25, 24/07/2017
Căng thẳng gia tăng tại Jerusalem vào ngày 14-7 sau khi 3 người Israel gốc Palestine nổ súng vào cảnh sát Israel đang làm nhiệm vụ gần cổng đền thờ Al-Aqsa, khiến 2 người thiệt mạng. Sau vụ tấn công, chính quyền Tel Aviv đã ra lệnh tạm đóng cửa khu thánh địa của người Hồi giáo. Tuy nhiên, trước sức ép của Palestine cùng các nước trong khu vực, ngày 16-7, Israel đã cho mở cửa lại đền thờ và lắp đặt máy dò kim loại tại các cổng vào nhằm thắt chặt an ninh. Ngày 21-7, lực lượng an ninh Israel tiếp tục thiết lập một loạt trạm kiểm soát để hạn chế tiếp cận khu Thành cổ Jerusalem, đồng thời cấm nam giới Hồi giáo dưới 50 tuổi vào khu vực này trong buổi cầu nguyện quan trọng nhất của người theo đạo Hồi vào trưa thứ sáu. Ít nhất 3 người Palestine đã bị lính Israel bắn chết và hàng trăm người khác bị thương trong cuộc đụng độ giữa người biểu tình Palestine và binh lính Israel ở Đông Jerusalem vào ngày 22-7 nhằm phản đối động thái của chính quyền Tel Aviv.
Trước tình trạng bạo lực ngày càng leo thang, sau cuộc họp khẩn cấp với các quan chức hàng đầu Chính phủ, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 22-7 tuyên bố đóng băng liên lạc ở mọi cấp độ với Israel cho tới khi nước này tự nguyện hủy bỏ các biện pháp an ninh vô lý tại Jerusalem, đặc biệt là tại đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Tổng thống M.Abbas gọi các biện pháp do Israel áp đặt là hành động mang tính chính trị được ngụy trang bởi tấm màn an ninh nhằm kiểm soát đền thờ thiêng liêng này, nhuộm màu sắc tôn giáo cho các cuộc xung đột hiện tại và né tránh các tiến trình hòa bình.
Theo các thỏa thuận mà Israel đã cam kết với cộng đồng quốc tế sau khi chiếm đóng Jerusalem vào năm 1967, đền thờ Al-Asqa linh thiêng của người Hồi giáo là khu vực mà chính quyền Tel Aviv không được phép xâm phạm và phải giữ nguyên hiện trạng nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người theo đạo Hồi. Vì vậy, việc áp đặt các biện pháp nhằm hạn chế ra vào đền thờ Al-Aqsa là sự vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận của Tel Aviv. Điều này được cho là một phần trong kế hoạch của Israel nhằm kiểm soát Đông Jerusalem, khu vực mà cộng đồng quốc tế xác định là vùng lãnh thổ của Palestine đang bị Israel chiếm đóng. Các chuyên gia cảnh báo, căng thẳng giữa Israel và Palestine tại Jerusalem có thể là dấu hiệu của sự bùng nổ xung đột giữa hai bên, trừ phi có các biện pháp khẩn cấp và nghiêm túc buộc các bên phải thúc đẩy các thỏa thuận hòa bình.
Khi tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua giữa Israel và Palestine đang tiếp tục leo thang và ngày càng phức tạp, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông báo sẽ nhóm họp vào ngày 25-7 để thảo luận về tình hình cũng như các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng. Nhóm bộ tứ Trung Đông gồm Mỹ, Nga, Liên minh Châu Âu (EU) và Liên hợp quốc đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại Jerusalem. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò trách nhiệm của tất cả các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và cộng đồng trong việc khôi phục lại ổn định và tránh gây ra bất kỳ hành động nào có thể thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa các bên. EU cũng đã kêu gọi Israel tìm kiếm giải pháp cải thiện tình trạng an ninh tại các khu vực thánh địa, duy trì hiện trạng theo đúng các cam kết và điều tra về vụ sát hại 3 người Palestine. Trong đó, sự hợp tác tiếp tục giữa Israel và Palestine phải đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết bài toán khó của hòa bình khu vực.
Diễn biến tại điểm nóng dai dẳng nhiều thập kỷ qua một lần nữa cho thấy sự cần thiết của việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và trao cho người Palestine quyền được thành lập một đất nước độc lập, có chủ quyền và bình đẳng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới.