Bước lùi nguy hiểm

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:04, 01/08/2017

(HNM) - Gần một tháng trôi qua kể từ cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Hội nghị G20 tại Đức, quan hệ của hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới hầu như không có bước cải thiện nào như kỳ vọng.

Cảnh sát Nga trước Đại sứ quán Mỹ tại Moscow - Ảnh: Daily Mail


Mâu thuẫn Nga - Mỹ bùng phát lần này bắt nguồn từ việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt mới nhằm vào một số quan chức phụ trách an ninh mạng ở Nga, các nhân vật liên quan đến việc Mátxcơva sáp nhập Crimea từ Ukraine. Ngoài ra, dự luật cũng hạn chế công ty Mỹ làm ăn với các đối tác Nga, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển năng lượng. Bên cạnh đó, một điểm quan trọng và được chú ý nhất trong dự luật là điều khoản ngăn cản Tổng thống Mỹ D.Trump tự ý dỡ bỏ bất kỳ trừng phạt nào với Nga khi chưa được phép của Quốc hội. Nội dung này được cho là liên quan tới một số chỉ thị của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thời kỳ còn đương nhiệm, gồm đóng cửa 2 khu ngoại giao đoàn của Nga tại bang New York và Maryland, đồng thời trục xuất 35 quan chức ngoại giao của Nga với cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Khi đó, phía Nga quyết định không áp đặt các biện pháp trả đũa vì tin tưởng quan hệ với Mỹ sẽ được cải thiện khi Nhà Trắng có chủ nhân mới. Tuy nhiên, bế tắc trong quan hệ giữa hai nước dưới thời chính quyền của Tổng thống D.Trump vẫn chưa được khai thông dù ông chủ Nhà Trắng đã nhậm chức 6 tháng. Những cam kết định hình lại quan hệ với Nga theo chiều hướng tích cực ngày càng trở nên xa vời. Ngay lập tức, Nga đã yêu cầu Mỹ cắt giảm số nhân viên ngoại giao tại xứ sở Bạch dương xuống còn 455 người. Ngoài ra, phía Nga cũng sẽ tịch thu 1 khu nhà nghỉ dưỡng của các nhà ngoại giao và 1 nhà kho mà Mỹ đang sử dụng ở Mátxcơva. Thời hạn được đưa ra là ngày 1-9.

Cùng với các biện pháp “ăn miếng, trả miếng” về ngoại giao, Nga và Mỹ cũng liên tục triển khai những động thái phô diễn sức mạnh quân sự để thị uy lẫn nhau. Mặc dù không bên nào trực tiếp thừa nhận các cuộc tập trận là để răn đe đối phương, nhưng giới quan sát cho rằng các cuộc diễn tập có vẻ như đang bị biến thành các “công cụ chính trị” của các bên hơn mục đích thuần túy là nâng cao năng lực, kinh nghiệm chiến đấu. Cụ thể, ngày 30-7, khoảng 2.800 binh sĩ Mỹ và nước láng giềng của Nga là Gruzia cùng nhiều đồng minh Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Slovenia, Armenia đã bắt đầu các cuộc tập trận chung mang tên Đối tác cao quý 2017 (Noble Partner 2017). Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia Levan Izoria gọi quy mô cuộc tập trận này là “chưa từng có tiền lệ”. Đây được cho là hành động thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với mục tiêu của quốc gia nhỏ bé vùng Kavkaz này nhằm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đối đầu với Nga.

Trong khi đó, Tổng thống V.Putin cũng đã thị sát một cuộc diễu binh rầm rộ của lực lượng hải quân Nga dọc sông Neva và vịnh Phần Lan ngoài khơi thành phố Saint Petersburg. Những cuộc diễu binh nhỏ hơn cũng diễn ra từ vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga bên bờ biển Baltic cho tới bán đảo Crimea ở Biển Đen và Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông. Trước đó, Nga cũng cùng Trung Quốc lần đầu tập trận hải quân rầm rộ trên biển Baltic.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Quốc hội Mỹ tăng cường trừng phạt Nga và biện pháp trả đũa từ phía Mátxcơva là bước lùi trong quan hệ mà cả Tổng thống D.Trump và Tổng thống V.Putin đều muốn né tránh. Dư luận thế giới lo ngại, “cuộc chiến” ngoại giao leo thang sẽ chôn vùi triển vọng về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trong thời gian trước mắt.

Quỳnh Dương