Thách thức lớn của nhân loại
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:41, 06/08/2017
Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không ngừng nâng cấp các dự án của mình. |
Sự kiện này một lần nữa nhắc nhở nhân loại về những hiểm họa khủng khiếp của vũ khí nguyên tử. Kể từ khi loại vũ khí này ra đời, chiến tranh hạt nhân đã trở thành một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất với sự tồn tại của loài người.
Tính tới nay, chỉ có hai quả bom hạt nhân đã được sử dụng tại Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản) nhưng đã cho thế giới thấy sức công phá và hủy diệt khủng khiếp của chúng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là không vì vậy mà các kho dự trữ hạt nhân trên toàn cầu giảm xuống. Nhất là sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, số lượng đầu đạn hạt nhân đã tăng một cách chóng mặt. Thậm chí, khi cả thế giới cùng kêu gọi “không phổ biến vũ khí hạt nhân” thì thứ vũ khí nguy hiểm này vẫn có khả năng “quyến rũ” mọi quốc gia đang sở hữu nó.
Theo nghiên cứu đầu tiên về dữ liệu hạt nhân được công bố bởi Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri) gần đây, số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đang giảm dần, nhưng chưa thấy có nước nào sẵn sàng từ bỏ nguyên tử. Tính đến tháng 7-2017, 9 quốc gia sở hữu hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên đã triển khai 4.150 vũ khí loại này. Tổng cộng, các nước trên có có khoảng 14.935 đơn vị vũ khí hạt nhân, giảm từ mức 15.395 cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ giảm 3% được coi là quá chậm chạp khi Nga và Mỹ đã triển khai Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới từ năm 2011. Thêm vào đó, cả hai quốc gia này đều đã lên kế hoạch chi 400 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2017 để bảo trì và nâng cấp vũ khí hạt nhân. Sipri ước tính chương trình vũ khí nguyên tử của Mỹ có giá trị đến 1.000 tỷ USD trong vòng 3 thập kỷ tới.
Trong khi đó, Triều Tiên sở hữu lượng vật liệu phân hạch ước tính đủ cho 10 đến 20 đầu đạn hạt nhân, tăng so với dự đoán của năm trước. Tính đến tháng 7-2017, Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và bắn hàng chục tên lửa có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và lệnh trừng phạt từ Liên hợp quốc. Cho đến nay, tất cả các quốc gia trong “câu lạc bộ hạt nhân” đều đã bắt đầu triển khai hệ thống phóng vũ khí nguyên tử mới hoặc ít nhất công bố ý định này. Trung Quốc cũng bắt đầu một chương trình hiện đại hóa dài hạn tập trung vào việc cải tiến chất lượng kho vũ khí hạt nhân của mình. Cùng với đó, cả Ấn Độ và Pakistan đều đang mở rộng kho dự trữ nguyên tử.
Ngoài ra, theo ước tính của Mỹ, trên thế giới hiện tồn tại khoảng 2.000 tấn nguyên liệu hạt nhân có thể sử dụng được. Để chế tạo một quả bom nguyên tử, chỉ cần 25kg uranium làm giàu ở mức độ cao. Để cho “ra lò” một quả “bom bẩn” phóng xạ thì hàm lượng về công nghệ, nguyên liệu còn đơn giản hơn nhiều. Điều đó cho thấy, khủng bố hạt nhân đã, đang trở thành mối hiểm họa nghiêm trọng nhất đối với an ninh toàn cầu. Thế nhưng, khi Hiệp ước toàn cầu về cấm vũ khí hạt nhân được 122 quốc gia thông qua tại Liên hợp quốc hồi đầu tháng 7 vừa qua, không có nước nào trong số 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân tham gia đàm phán hoặc bỏ phiếu.
Hơn 70 năm trôi qua, sức hủy diệt khủng khiếp của 2 quả bom nguyên tử rơi xuống Nhật Bản, kèm theo đó là những nỗi đau khôn xiết vẫn còn đọng lại trong ký ức của nhân loại. Điều này cho thấy sự nguy hiểm của vũ khí nguyên tử và sự cần thiết phải đẩy nhanh những nỗ lực phi hạt nhân hóa thế giới. Dù vậy, việc thực hiện mục tiêu này vẫn là thách thức lớn của loài người.