Bầu cử Đức 2017: Lợi thế của Thủ tướng Angela Merkel

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:24, 07/09/2017

(HNM) - Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình duy nhất giữa hai ứng viên Thủ tướng Đức là đương kim Thủ tướng Angela Merkel - đại diện cho Liên minh Dân chủ - Xã hội Cơ đốc (CDU/CSU) và ông Martin Schulz - Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đã kết thúc với lợi thế nghiêng về bà A.Merkel.

Thủ tướng A.Merkel và ông M.Schulz trong buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình.


Sự kiện hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua tranh chức Thủ tướng Đức tham gia tranh luận kéo dài 97 phút đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và giới truyền thông. Các ứng viên đã đề cập nhiều vấn đề "nóng" được cử tri Đức quan tâm như cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, căng thẳng ngoại giao giữa Đức - Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách đối ngoại, an ninh nội bộ và công bằng xã hội.

Trong phần lớn thời gian, ông M.Schulz chủ yếu công kích Thủ tướng A.Merkel xoay quanh cuộc khủng hoảng di cư và quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, ông chỉ trích quyết định mở rộng biên giới của Thủ tướng A.Merkel đã kéo theo nhiều hệ lụy như vấn đề giải quyết việc làm, hội nhập, chính sách xã hội, Hồi giáo cực đoan...

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ông M.Schulz khó có thể lật ngược thế cờ trong bối cảnh đương kim Thủ tướng A.Merkel và liên đảng CDU/CSU đang nhận được sự tín nhiệm cao. Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thặng dư ngân sách, thương mại và giải quyết việc làm... của Đức hiện nay đều ở mức tốt hơn so với kỳ vọng.

Thêm vào đó, những vấn đề mà ông M.Schulz đưa ra trong cuộc tranh luận trực tiếp lần này đều đã được Thủ tướng A.Merkel "hóa giải" trước đó, được dư luận đánh giá cao. Kết quả thăm dò được tiến hành ngay trong và sau cuộc tranh luận do Tổ chức Infratest Dimap cho thấy, đánh giá về độ tin cậy, tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng A.Merkel là 49%, bỏ xa ông M.Schulz với 29%.

Thực tế, đối với liên minh CDU/CSU sau 12 năm cầm quyền, bà A.Merkel vẫn nhận được những đánh giá tích cực về khả năng điều hành đất nước. Theo những khảo sát mới đây, mặc dù người dân Đức không ủng hộ chính sách nhập cư của bà A.Merkel nhưng bà vẫn là lựa chọn khả thi đối với họ. Lý do là kinh tế - xã hội Đức trong những năm gần đây khá ổn định và phát triển.

Mặt khác, người ta chưa thấy ông M.Schulz có những hành động gì cụ thể ngoài lời nói. Tận dụng tâm lý lạc quan từ các cử tri Đức, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng A.Merkel đã công bố một bản chương trình hành động dày 76 trang, trong đó đề ra mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2025 sẽ đưa tỷ lệ thất nghiệp của Đức giảm xuống dưới 3%.

Lý giải cho vị thế nổi trội của bà A.Merkel, các nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là đối thủ chính của CDU là SPD đã đánh mất một lượng lớn cử tri truyền thống. Liên minh CDU/CSU được dự báo sẽ thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang với tỷ lệ khoảng 38% - 40% phiếu bầu so với tỷ lệ 22% -26% của SPD.

Kể từ khi nhậm chức, ông M.Schulz liên tiếp hứng chịu những thất bại trong các cuộc bầu cử tại các bang, kéo theo những hoài nghi và khó giành thắng lợi trước bà A.Merkel trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Trái lại, trong thời gian tại nhiệm khá dài của bà A.Merkel, Đức đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc là thành viên của Liên minh Châu Âu và khu vực đồng euro.

Do đó, các nhà phân tích cho rằng, với khẩu hiệu tranh cử đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: "Nước Đức, nơi mang đến cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp”, đương kim Thủ tướng A.Merkel vẫn được coi là ứng cử viên sáng giá nhất và dường như nắm giữ trong tay nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư liên tiếp.

Thùy Dương