Bước lùi chiến thuật của Catalonia?
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:29, 12/10/2017
Ảnh: Getty Images |
Cuộc đối đầu căng thẳng giữa chính quyền Catalonia và chính phủ Tây Ban Nha đã kéo dài kể từ khi xứ này tiến hành trưng cầu dân ý về độc lập vào hôm 1-10. Cuộc bỏ phiếu này bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên là bất hợp pháp. Chỉ có 43% cử tri Catalonia đi bỏ phiếu, nhưng 90% trong số họ chọn tách khỏi Tây Ban Nha để trở thành một quốc gia độc lập. Do vậy, bài phát biểu của Thủ hiến Catalonia trước Nghị viện của khu vực này đã gây thất vọng cho hàng nghìn người muốn thành lập một đất nước riêng.
Kể từ sau cuộc bỏ phiếu cách đây 10 ngày, những người ủng hộ Catalonia trở thành nước cộng hòa đã nuôi hy vọng Nghị viện phê chuẩn một tuyên bố độc lập đơn phương. Tuy nhiên, điều này chưa xảy ra trong bối cảnh ông Puigdemont phải đối mặt với sức ép từ nhiều phía. Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Hiến pháp khẳng định, cuộc trưng cầu ý dân là hành động vi hiến, đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của Liên minh Châu Âu (EU). Nếu tuyên bố độc lập được đưa ra, chính quyền Tây Ban Nha có thể ngay lập tức áp dụng Điều 155 trong Hiến pháp, tước bỏ quyền tự trị của Catalonia và trực tiếp nắm quyền kiểm soát khu vực. Thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy có thể yêu cầu Nghị viện nước này ban bố tình trạng khẩn cấp theo Điều 116 Hiến pháp. Khi đó, tình thế chính trị tại Catalonia chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ.
Trong khi đó, EU và nhiều thành viên khác của liên minh cũng phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu ý dân của vùng Catalonia. Sức ép gia tăng từ phía người dân và từ chính nội bộ cũng như chính quyền trung ương Tây Ban Nha đang đẩy Thủ hiến Puigdemont đứng trước một tình thế rất bất lợi. Do đó, ông Puigdemont đã phải “xuống thang” khi đề nghị trước Hội đồng lập pháp Catalonia hoãn tuyên bố độc lập, động thái mang tính chiến thuật nhằm mở đường cho một cơ hội đàm phán với chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Trong ngày 11-10, chính phủ Tây Ban Nha đã tổ chức họp để quyết định hành động phản ứng với động thái của lãnh đạo Catalonia.
Việc vùng tự trị Catalonia đòi tách khỏi Tây Ban Nha là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở quốc gia Châu Âu này kể từ âm mưu đảo chính quân sự bất thành hồi năm 1981, đồng thời làm trầm trọng thêm những mối chia rẽ bên trong xã hội.
Lợi ích của Madrid trong việc giữ Catalonia là rất lớn. Nếu mất quyền kiểm soát vùng có ngôn ngữ và văn hóa riêng này, Tây Ban Nha sẽ mất đi 1/5 sản lượng kinh tế, hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu và đứng trước nguy cơ mất nốt nhiều khu vực khác của xứ Basque. Về phía Catalonia, một khi rời khỏi Tây Ban Nha, vùng này có thể sẽ đánh mất cả thị trường chung Châu Âu. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean - Claude Juncker đã khẳng định, EU sẽ chỉ công nhận một cuộc ly khai tuân thủ hiến pháp và sẽ không công nhận Catalonia như một nhà nước được tạo nên bởi sự phạm luật, cụ thể là vi phạm Hiến pháp Tây Ban Nha. Đối với EU, một Catalonia độc lập sẽ khơi mào cho phong trào ly khai trên khắp Châu Âu, đầu tiên có thể là Scotland, sau đó là miền Bắc Italia, vùng Corsia của Pháp hay thậm chí là Bavaria tại Đức.
Trong bối cảnh này, giới phân tích cho rằng, giải pháp duy nhất hiện nay là vùng Catalonia và chính quyền trung ương Tây Ban Nha đàm phán. Dù vậy, triển vọng diễn ra đối thoại chính trị có vẻ vẫn còn xa vời khi Madrid khẳng định sẽ không có đàm phán cho đến khi nào Thủ hiến Puigdemont từ bỏ ý định đòi độc lập.