Cuộc chiến Syria dần đến hồi kết?
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:54, 20/10/2017
Trong chiến thắng mới nhất, SDF đã chiếm được một trong những khu vực cuối cùng còn lại do IS kiểm soát tại sân vận động trung tâm thành phố Raqqa. Lực lượng phòng vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng mạnh nhất trong thành phần của SDF, đã treo cờ tại sân vận động này.
Lực lượng SDF giải phóng TP Raqqa khỏi tay IS sau 4 tháng giao tranh. |
IS chiếm Raqqa năm 2014 và tuyên bố đây là thủ đô của cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo". Liên minh SDF (thành lập vào ngày 10-10-2015) được Mỹ hậu thuẫn gồm các tay súng người Kurd và người Arab đã tấn công vào Raqqa từ tháng 6-2017. Sự thất thủ của IS tại thành phố quan trọng này là một thắng lợi mang tính biểu tượng cho thấy sự suy tàn của nhóm phiến quân tại Syria cũng như Iraq. Trước đó, ngày 16-10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã khẳng định chiến dịch chống khủng bố tại Syria đang dần đi đến hồi kết. Theo người đứng đầu Trung tâm Chỉ huy trung ương thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoi, phần lãnh thổ Syria bị IS chiếm đóng đã giảm 5.841km2 trong tháng qua và 142 khu dân cư đã được giải phóng.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ và đồng minh thành công trong kế hoạch tái chiếm Raqqa sẽ giúp Washington nâng cao vị thế ở khu vực Trung Đông, đồng thời nắm được quân bài giá trị để mặc cả với Mátxcơva và Damascus trong tiến trình đàm phán hòa bình ở Syria. Điện Kremlin cũng có cùng mục đích với Nhà Trắng và hai bên đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động nhằm giành thắng lợi quan trọng trên chiến trường. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của lực lượng SDF hiện nay tại Syria đã đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của Nga. Mới đây, SDF còn tuyên bố sẵn sàng chiến tranh với Nga nếu cần thiết.
Thực tế, lực lượng SDF giành được thêm càng nhiều đất đai cũng đồng nghĩa với việc khu tự trị tương lai của họ sẽ ngày càng rộng hơn, lãnh thổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ càng thu hẹp lại và sự hiện diện quân sự của Mỹ càng được mở rộng. Nếu như năm 2015, ở Syria hầu như không có cố vấn Mỹ thì hiện nay hàng nghìn chuyên gia quân sự Mỹ đang hiện diện ở các khu vực người Kurd tại Aleppo, Al-Hasakah, Raqqa, Deir ez-Zor, và tới đây có thể hàng chục nghìn binh sĩ và chuyên gia quân sự Mỹ sẽ tiếp tục đổ vào Syria. Đặc biệt, vấn đề người Kurd tại Syria, cũng như tại Iraq, dứt khoát sẽ nổi lên khi IS suy yếu. Các tổ chức của tộc người bị phân tán này chắc chắn sẽ đòi được “trả công” cho những đóng góp dù không phải mang tính quyết định nhưng rất quan trọng của họ vào chiến thắng trước IS. Hơn nữa, Chính phủ Syria có thái độ thù địch với ý tưởng tự trị cho người Kurd. Do đó, kể cả hiện tại lực lượng SDF và quân đội của chính quyền B.Al-Assad chưa giao tranh, song xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Mặt khác, sự tồn tại của chính quyền Tổng thống B.Al-Assad do Nga hậu thuẫn đang là cái gai trong mắt Mỹ. Washington có thể sẽ dùng chính lực lượng SDF để tiêu diệt quân đội Syria và tranh giành tầm ảnh hưởng với Nga. Cũng không thể loại trừ khả năng Syria sẽ tiếp tục thành mồi lửa làm bùng nổ “thùng thuốc súng” Trung Đông lâu nay vốn đã tiềm ẩn rất nhiều mâu thuẫn phức tạp giữa các lực lượng và phe phái.
Như vậy, sau gần 7 năm với sự nỗ lực của chính quyền và người dân Syria, nhất là sự giúp đỡ có hiệu quả của Nga, cùng với những quan điểm thực tế của cộng đồng quốc tế, cuộc chiến Syria đã dần đi đến hồi kết. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vị thế địa - chiến lược của Syria, tham vọng lợi ích của các cường quốc và những vấn đề nội bộ nước này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ vãn hồi hòa bình ở quốc gia Trung Đông trong thời gian tới.