Thành quả bước đầu của Trumponomics
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:58, 31/10/2017
Những chính sách kinh tế của Tổng thống D.Trump đã gặt hái thành công bước đầu. |
Theo số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý vừa qua của nước này đạt mức tăng trưởng 3%, cao hơn mức 2,4% dự báo của các nhà phân tích. Các cuộc khảo sát cho thấy, triển vọng tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ trong tháng 10-2017 đã cải thiện đáng kể so với cách đây 3 tháng. 80% các nhà kinh tế dự báo trong 12 tháng tới, mức tăng trưởng của Mỹ sẽ dao động trong khoảng từ 2,1 đến 3%, trong khi 15% ý kiến cho rằng mức tăng sẽ là 1,1-2%.
Những dự báo này cũng trùng hợp với kết quả thăm dò ý kiến của Hiệp hội Quốc gia về kinh tế kinh doanh Mỹ (NABE). Theo đó, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trên mức 2% trong năm 2018, dù một số điều kiện kinh doanh có phần giảm sút. Kết quả này nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia kinh tế do nhiều địa phương của Mỹ vừa trải qua các trận siêu bão như Harvey, Irma và Maria, đã gây thiệt hại lớn cho các bang Texas, Florida và vùng lãnh thổ Puerto Rico.
Mới đây, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde còn cảnh báo Mỹ sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nếu không đẩy nhanh những cam kết về thay đổi chính sách, trong đó có cải cách thuế. IMF đã hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay xuống 2,1% sau khi những cải cách nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa. Trả lời câu hỏi của chương trình truyền hình CBS This Morning về việc liệu Mỹ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hay không, Tổng Giám đốc Lagarde cho rằng điều đó là rất khó.
Có thể thấy, GDP đạt mức 3% là một chiến thắng lớn dành cho Tổng thống Donald Trump, bởi rất nhiều lần các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng 3% đề ra khi nhậm chức hồi đầu năm của ông là không phù hợp với thực tế. Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin ca ngợi mức tăng trưởng 3% là bằng chứng cho thấy sức mạnh của chính sách cắt giảm thuế, cải cách hệ thống y tế, cải cách hoạt động thương mại và đầu tư 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng... hay còn gọi là “Trumponomics”.
Không thể phủ nhận kinh tế Mỹ được hỗ trợ rất lớn từ kinh tế toàn cầu, đang trong quá trình hồi phục mạnh mẽ. Hầu hết các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017-2018, có thể đạt mức 3,5-3,6%, nhờ những tín hiệu khởi sắc của các nền kinh tế chủ chốt, trong 9 tháng năm 2017. Tại Nhật Bản, mức tăng trưởng 0,6% đạt được trong quý II nhờ xuất khẩu gia tăng. Đây là chuỗi thời gian tăng trưởng kéo dài nhất trong hơn một thập kỷ qua ở nước này. Kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) phục hồi tích cực do nới lỏng tiền tệ và nỗ lực tái cơ cấu, xử lý khủng hoảng nợ công. Nhờ đó, chỉ số tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo tăng lên 55,8 điểm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2009. Theo Liên hợp quốc, thương mại toàn cầu tăng cao nhất trong 6 năm qua nhờ giá cả hàng hóa ổn định, phục hồi tăng trưởng và cải thiện niềm tin kinh doanh ở nhiều nền kinh tế.
Như vậy, trong thời gian tới, các nghị sĩ của đảng Dân chủ - những người đã chỉ trích nhiều điểm trong Trumponomics sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới để bảo vệ lập luận của mình. Nói một cách khác, dù chưa thể khẳng định học thuyết mới sẽ mang lại sự thay đổi ngoạn mục cho nước Mỹ, song, Tổng thống D.Trump có khả năng sẽ nhận được nhiều hậu thuẫn hơn trong các quyết sách về kinh tế tài chính sắp tới.