EC khởi kiện Ba Lan: Lục đục nội bộ không mong đợi

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:23, 22/12/2017

(HNM) - Ủy ban Châu Âu (EC) đã bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý chưa từng có để khởi kiện Ba Lan liên quan tới chương trình cải cách tư pháp của nước này, vốn bị coi là

Tổng thống Ba Lan A.Duda trong buổi họp báo tuyên bố đã thông qua hai đạo luật mới có thể dẫn tới những căng thẳng tiếp theo với EC.


Chính phủ đương nhiệm của Ba Lan đưa ra những thay đổi trong bộ máy tư pháp sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2015, đồng thời tuyên bố những cải cách này là cần thiết để chống nạn tham nhũng và xem xét lại toàn bộ hệ thống tư pháp vốn vẫn bị ảnh hưởng bởi thời kỳ cũ. Phát biểu với báo giới tại Brussels (Bỉ), Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans nhận định 13 đạo luật được Chính phủ Ba Lan thông qua trong vòng 2 năm qua đã tạo ra một tình thế mà Chính phủ nước này "có thể can thiệp một cách có hệ thống về mặt chính trị vào thành phần, quyền, việc thi hành và chức năng" của giới chức tư pháp. Sự thay đổi này là mối đe dọa tới các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền mà Ba Lan đã ký khi gia nhập EU và từng được EC cảnh báo. Vì vậy, EC buộc phải quyết định kích hoạt Điều 7.1 của Hiệp ước Liên minh Châu Âu (EU) chống lại Ba Lan do không còn sự lựa chọn nào khác.

Theo Điều 7.1, EC hoặc chính phủ các nước, có thể tuyên bố sự hiện diện của các mối đe dọa nghiêm trọng từ một quốc gia thành viên có nguy cơ phá vỡ giá trị chung của EU. Khi tuyên bố này được đưa ra, bên cạnh việc mất quyền bỏ phiếu trong Hội đồng Châu Âu, quốc gia “gây chuyện” sẽ phải hứng chịu nhiều cấm vận khác từ các nước EU. Đây cũng là lần đầu tiên Điều 7.1 được kích hoạt nhằm vào một thành viên trong khối. Nhưng dường như những căng thẳng kéo dài 2 năm giữa EU và Ba Lan liên quan tới chương trình cải cách tư pháp của nước này mới là nguyên nhân sâu xa đẩy EC tới quyết định “kiện cáo”.

Tuy nhiên, để Điều 7.1 được chấp thuận kích hoạt, EC cần sự ủng hộ của 80% thành viên EU (tương đương 22 nước). Bên cạnh đó, việc áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trong thực tế cũng sẽ chỉ được thực hiện vào giai đoạn 2 và cần tới sự nhất trí của tất cả các nước thành viên của EU, dĩ nhiên là trừ Ba Lan. Trong bối cảnh một số quốc gia thành viên tỏ ý ủng hộ nền kinh tế hàng đầu khu vực Trung và Đông Âu trong câu chuyện cải cách tư pháp, dường như những mong muốn của EC sẽ gây ra nhiều tranh cãi khi được đưa ra lấy ý kiến chung. Do vậy, việc trừng phạt chưa thể xảy ra trong một sớm một chiều. Thậm chí, Hungary đã ra tuyên bố cho biết sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp nào của EU nhằm vào Ba Lan.

Vào lúc này, theo Phó Chủ tịch EC Timmermans, Chính phủ Ba Lan vẫn có cơ hội cứu vãn tình hình và cơ quan này hoàn toàn có thể xem xét rút lại quyết định nếu Vácxava chấp hành các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, điều này là không dễ xảy ra, bởi trước động thái của EC, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã nhấn mạnh quyết định này mang động cơ chính trị, không hợp pháp về bản chất và có nguy cơ làm tổn hại lòng tin lẫn nhau. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda mới đây cũng cho biết đã quyết định ký thêm hai đạo luật nhằm tăng cường kiểm soát chính trị đối với tòa án quốc gia, vốn được coi là tiếp tục "đổ dầu vào lửa". Đây cũng là hai đạo luật cuối cùng nhằm hoàn thiện chương trình cải cách tư pháp của Ba Lan.

Nhìn chung, khi EU đang phải gồng mình giải quyết những vấn đề phức tạp, bất cập về an ninh cũng như việc Anh rời khỏi khối, rõ ràng nảy sinh thêm lục đục nội bộ là điều không được mong đợi. Vì thế, động lực hòa giải là rất lớn nhưng việc gỡ nút thắt lại đòi hỏi thêm những nhượng bộ trên tinh thần đề cao tình đoàn kết và vì các lợi ích chung của EU.

Hoàng Linh