Tia nắng ấm trên bán đảo Triều Tiên
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:46, 13/02/2018
Những tín hiệu tích cực đầu tiên được đưa ra trong thông điệp Năm mới 2018 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tiếp theo đó, trong vòng đàm phán cấp cao diễn ra hôm 9-1, hai bên đã đạt thỏa thuận chung về việc Bình Nhưỡng sẽ cử một phái đoàn gồm Đoàn Ủy ban Olympic quốc gia, các vận động viên điền kinh, đội cổ vũ, các đội biểu diễn nghệ thuật, một đội thi đấu taekwondo và các nhà báo tham dự Thế vận hội.
Bà Kim Yo-jong (thứ 2, trái) tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (thứ 3, phải) ngày 10-2. YONHAP/ TTXVN |
Sự kiện các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên đã cùng diễu hành dưới một lá cờ chung trong lễ khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 đã trở thành biểu tượng cho thấy triển vọng hòa hợp giữa hai miền Triều Tiên. Cái bắt tay của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trên khán đài càng củng cố niềm tin vào triển vọng hòa bình. Đặc biệt, nhà lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ có thư mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm Bình Nhưỡng vào “một ngày gần nhất”. Lời mời do bà Kim Yo-jong đưa ra trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Quốc hội hai bên, được xem là cơ hội cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên kể từ năm 2007. Tổng thống Moon Jae-in cũng đã có cuộc gặp gỡ kéo dài gần 3 giờ đồng hồ với nhóm quan chức cấp cao Triều Tiên tại Seoul. Trước cuộc hội đàm, ông chủ Nhà Xanh đã bắt tay từng người và trực tiếp mời các đại biểu tới Phủ Tổng thống dự tiệc. Sự đón tiếp trọng thị của Hàn Quốc dành cho đoàn đại biểu Triều Tiên khẳng định rằng Seoul thực sự mong muốn giảm căng thẳng giữa hai bên.
Những kết quả trên được xem là bước đột phá chưa từng có trong lịch sử giao lưu thể thao giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự tan băng trong quan hệ Seoul - Bình Nhưỡng sau năm 2017 đầy căng thẳng với nguy cơ bùng nổ xung đột. “Ngoại giao” Olympic cũng được hy vọng sẽ là nền tảng tích cực giúp Tổng thống Moon Jae-in thúc đẩy đối thoại và hòa giải với chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên Kim Yong-nam khẳng định: “Chúng ta có thể cùng nhau hướng tới PyeongChang với niềm tin về sự thống nhất giữa hai đất nước nhất định sẽ đạt được”.
Tuy vậy, giới quan sát vẫn thận trọng trước những kỳ vọng và cho rằng bước đột phá này khó dẫn tới sự khai thông nhanh chóng trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Việc phát triển nguyên tử được xem là “lá bùa hộ mệnh” đối với chính thể ở Bình Nhưỡng, vì thế, việc thuyết phục quốc gia láng giềng phía Bắc ngồi vào bàn đàm phán sẽ đòi hỏi thêm rất nhiều nỗ lực và sự thỏa hiệp. Thế nhưng, điều này có nguy cơ đẩy Tổng thống Moon Jae-in vào thế khó trong quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, vốn khăng khăng lập trường buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Trong lúc quan hệ liên Triều đang có dấu hiệu khởi sắc sau hàng loạt tương tác cấp cao, Mỹ vẫn kiên quyết khẳng định chính sách không thay đổi là tiếp tục gây sức ép kinh tế và ngoại giao đối với Bình Nhưỡng.
Làm thế nào để vừa thúc đẩy quan hệ hai miền Triều Tiên lại vừa cân bằng được quan hệ với Mỹ, một đồng minh thân cận của Hàn Quốc sẽ là bài toán không đơn giản đối với Tổng thống Moon Jae-in trong thời gian tới. Tuy vậy, Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 thực sự đã đem tới những tia nắng ấm cho mối quan hệ băng giá giữa hai miền Triều Tiên. Những cử chỉ thiện chí mà hai bên trao cho nhau trong những ngày qua đang được hy vọng sẽ là cây cầu đưa bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Bắc Á tới hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu.