Không còn nhân tố cản trở?

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:25, 05/04/2018

(HNM) - “Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển rất tốt đẹp” - đó là khẳng định của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi họp báo với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhân chuyến thăm kéo dài 2 ngày của ông tới quốc gia bên bờ Biển Đen.


Quan hệ giữa hai nước từng "chạm đáy" khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria tháng 11-2015. Căng thẳng kéo dài gần 2 năm, cho đến khi Tổng thống R.Erdogan gửi lời xin lỗi Nga, hai quốc gia mới bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với nhiều cuộc gặp cấp cao, đặt trọng tâm vào vấn đề về hợp tác song phương và đa phương.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Ankara sau cuộc hội đàm với Tổng thống R.Erdogan, nhà lãnh đạo Nga V.Putin nhấn mạnh, hiện không có bất kỳ yếu tố nào cản trở quan hệ song phương Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực hợp tác đang đạt được những kết quả rất ấn tượng, đặc biệt việc thực hiện các dự án chung như đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".

Hai nhà lãnh đạo đã tham dự lễ khởi công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ mang tên Akuyu do Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga làm chủ thầu, được xây dựng tại TP Mersin, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án đầu tư trị giá 20 tỷ USD này được xem là hoạt động hợp tác chiến lược điển hình giữa hai nước, nằm trong Tầm nhìn 2023 của Thổ Nhĩ Kỳ. Mátxcơva và Ankara cũng đạt được nhất trí về việc đẩy nhanh quá trình bàn giao hệ thống tên lửa hiện đại đất đối không S-400 và hy vọng những hệ thống đầu tiên sẽ được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020.

Như thường lệ, cuộc xung đột dai dẳng tại Syria cũng là nội dung chính được quan tâm trong các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Tuần qua, quân đội Chính phủ Syria đã giải phóng toàn bộ các khu định cư từng bị phiến quân chiếm đóng tại Đông Ghouta, với sự hỗ trợ tích cực của quân đội Nga trong việc thiết lập các hành lang nhân đạo giúp sơ tán dân thường khỏi vùng giao tranh. Trong khi đó, chiến dịch gây tranh cãi mang tên "Cành Oliu" được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại TP Afrin cũng đã đẩy lùi người Kurd ra khỏi khu vực này.

Các chuyên gia nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Nga V.Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ cùng với hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa ông chủ Điện Kremlin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tổ chức ngày 5-4 là cơ hội tốt để 3 nước tìm kiếm những bước đi hòa bình tiếp theo cho cuộc nội chiến đang bước sang năm thứ 8 tại quốc gia Trung Đông này.

Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang phủ bóng quan hệ giữa Mátxcơva và phương Tây với hàng loạt tranh cãi và những hành động “ăn miếng trả miếng” liên quan tới vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc hồi đầu tháng 3, đây cũng là cơ hội giúp Nga tranh thủ sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một quốc gia thành viên NATO.

Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của nhà lãnh đạo Nga V.Putin không chỉ có ý nghĩa trong việc hàn gắn mối quan hệ rạn nứt trong quá khứ, thắt chặt mối quan hệ song phương mà còn hướng tới những triển vọng hợp tác hiệu quả trong tương lai.

Minh Hiếu