Tổng thống Trump có đủ cơ sở pháp lý để ra lệnh không kích Syria?

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 14:48, 10/04/2018

Một trong những kịch bản dễ thấy nhất là Tổng thống Donald Trump sẽ ra lệnh không kích các mục tiêu của chính quyền Syria, giống như đã làm đúng 1 năm về trước.


Trong phiên họp nội các vào tối 9-4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ quyết định phản ứng của Mỹ đối với vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại Douma, Syria, trong vòng 24-48 giờ tới.

Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc lực lượng Chính phủ Syria đã gây ra vụ tấn công nói trên vào ngày 7-4, khiến 70 người thiệt mạng và khoảng 1.000 thường dân ở Douma, thuộc Đông Ghouta, phải nhập viện. Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã bác bỏ những cáo buộc này, tuyên bố đây là một "kế hoạch dàn dựng từ trước" của phe đối lập nhằm đánh lạc hướng các chiến dịch chống khủng bố tại Syria.

Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định, những thông tin xoay quanh vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là hoàn toàn giả mạo, coi đây là những hành động khiêu khích nguy hiểm nhằm bao che cho thế lực khủng bố và biện hộ cho khả năng huy động lực lượng nước ngoài tới Syria.

Kịch bản dễ thấy nhất lúc này là ông Trump có thể sẽ quyết định không kích các cơ sở của chính quyền Syria, giống như đã làm để trả đũa cho cái gọi là vụ tấn công vũ khí hóa học ở thị trấn Khan Shaykhun 1 năm về trước.

Nhưng liệu lần này ông Trump có bỏ qua vai trò của Quốc hội Mỹ, trực tiếp ra lệnh tấn công như ông đã làm vào ngày 7-4-2017 hay không?

Tranh cãi thẩm quyền pháp lý trong nội bộ nước Mỹ


Ngay trong nội bộ Mỹ đã có những ý kiến cho rằng Tổng thống nên để Quốc hội bỏ phiếu quyết định một cuộc tấn công nhằm vào Syria.

Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền cho phép bất cứ hành động quân sự nào của nước này. Vấn đề là các nhà lập pháp hầu như đã bỏ qua thẩm quyền này kể từ năm 2001 - khi họ thông qua Luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự (viết tắt là AUMF - Authorization for Use of Military Force), cho phép Tổng thống George Bush tấn công bất cứ lực lượng nào có liên quan tới tổ chức khủng bố al-Qaeda ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào.

Luật AUMF không có thời hạn. Trong nhiều năm, Tổng thống Barack Obama đã nới rộng giới hạn của AUMF với biện luận rằng nó cho phép ông tiến hành các hành động quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, do tổ chức khủng bố này cũng là một nhánh của al-Qaeda.

Như vậy, Tổng thống Trump lúc này cũng ở trong bối cảnh có thể sử dụng lệnh ủy quyền từ kỷ nguyên Chiến tranh Iraq-Afghanistan để ném bom Syria nếu ông có thể chứng minh rằng hành động đó nhằm đáp trả phiến quân Nhà nước Hồi giáo hoặc al Qaeda đang có mặt tại đây.

Tuy vậy, viễn cảnh đơn phương hành động quân sự của Tổng thống Trump đang gặp khó khăn khi một số nhà lập pháp Mỹ, thuộc cả hai đảng, cho rằng đã đến lúc phải chấm dứt AUMF năm 2001 và thông qua một đạo luật mới, với những hạn chế cụ thể hơn về quy mô, quá trình và chi phí của hành động quân sự.

“Việc sử dụng vũ khí hóa học chắc chắn đòi hỏi một phản ứng từ Mỹ. Nhưng nếu phản ứng đó bao gồm sử dụng vũ lực quân sự, thì Tổng thống Mỹ nên xin phép Quốc hội trước”, Thượng nghị sĩ Mike Lee thuộc đảng Cộng hòa phát biểu.

Thượng nghị sĩ Tim Kaine, thuộc đảng Dân chủ, cũng cho rằng: “Tổng thống Trump phải xin Quốc hội nếu ông muốn tiến hành những hành động quân sự khác”. “Đã một năm kể từ những cuộc không kích cuối cùng của chính quyền (Mỹ) tại Syria, chúng ta biết có một bản ghi bí mật nêu chi tiết đánh giá của chính quyền Trump về quyền tiến hành hành động quân sự mà không tham vấn Quốc hội của chính phủ. Đã đến lúc chính phủ phải chia sẻ chiến lược về Syria với công chúng và công bố bản ghi đó trước khi nó được sử dụng để biện minh cho những cuộc không kích mới hoặc cuộc chiến tranh mới” - ông Kaine lên tiếng mạnh mẽ.

"Nếu Tổng thống Trump cân nhắc hành động quân sự tại Syria, ông cần thông qua Quốc hội trước. Quốc hội, chứ không phải Nhà Trắng, chịu trách nhiệm thảo luận và cho phép tiến hành chiến tranh. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cần cho phép chúng ta tham gia cuộc tranh luận trước khi cuộc xung đột này tiếp tục leo thang” - Hạ nghị sĩ Dân chủ Barbara Lee viết trên trang Twitter cá nhân.

Trên thực tế thì nhiều năm qua, nhiều nhà lập pháp đã thúc giục giới lãnh đạo lưỡng đảng xúc tiến một luật ủy quyền AUMF mới, nhưng những yêu cầu đó đều bị bỏ qua. Đơn giản là vì hầu hết các thành viên Quốc hội không muốn tiến hành một cuộc bỏ phiếu khó khăn về thẩm quyền phát động chiến tranh.

Tính hợp hiến của việc sử dụng AUMF 2001 cho hành động quân sự chống lại Chính phủ Syria cũng đã được nhiều người đặt câu hỏi. Ngày 7-4-2017, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho các tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải nã hàng chục quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ quân sự Syria. Đây là cuộc tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên của Mỹ nhằm vào lực lượng chính phủ Tổng thống Assad.

Cái cớ mà ông Trump đưa ra là chính quyền Damascus đã sử dụng khí độc chống lại chính người dân Syria (một cáo buộc đã bị Syria bác bỏ), vốn không liên quan gì tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay al-Qaeda, như yêu cầu mà luật AUMF đòi hỏi để cho phép Tổng thống thẩm quyền phát động hành động quân sự.

“Trước khi Tổng thống Trump tính đến việc đưa nước Mỹ trở lại con đường hành động quân sự đơn phương, người dân Mỹ cần những câu trả lời. Chính quyền này hy vọng đạt được điều gì? Cuộc chơi cuối cùng là gì?”- Thượng nghị sĩ Jim McGovern của đảng Dân chủ nêu câu hỏi - “Có phải chúng ta đang chuyển từ chống ISIS (tên gọi khác của IS) sang công khai chống (Tổng thống) Assad? Hay chúng ta đang rút binh sĩ và không lực của mình ra khỏi khu vực? Trong vòng vài ngày, Tổng thống đã nhắc đến cả hai điều đó”.

Vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc

Xét trên góc độ luật pháp quốc tế, nếu Tổng thống Trump đơn phương ra lệnh sử dụng vũ lực với Syria mà không cần tới sự cho phép của Liên hợp quốc, hành động đó sẽ vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ). Hiến chương LHQ quy định “tất cả các quốc gia thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc”.

Hiến chương LHQ, một hiệp ước mà Mỹ đã phê chuẩn, cũng chỉ công nhận hai căn cứ cho phép sử dụng vũ lực nhằm vào lãnh thổ của một quốc gia khác mà không cần sự tán thành của LHQ là: được sự cho phép của Hội đồng Bảo an hoặc hành động phòng vệ.

Mỹ cũng có thể lấy cớ Syria vi phạm Công ước Vũ khí hóa học và một nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an từ năm 2013, khẳng định rằng: “Việc sử dụng những vũ khí hóa học bị cấm, vốn vi phạm một loạt chuẩn mực quốc tế, vi phạm các thỏa ước hiện hành, đã đòi hỏi loại phản ứng đáp trả này, tức là một phản ứng quân sự”. Nhưng trong trường hợp này, thủ phạm trong nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma hiện còn gây tranh cãi và chưa có bằng chứng xác thực. Thông tin về vụ tấn công này mới chỉ do một số tổ chức phi chính phủ, trong đó có White Helmets đưa ra, và đã bị Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ khi cho rằng đó là tin tức giả mạo. Moskva cũng đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra công bằng, độc lập về vụ việc và tuyên bố sẽ ủng hộ một cuộc điều tra như vậy.

Theo Tin Tức