Tìm điểm tương đồng trong các hồ sơ “nóng”
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:27, 27/04/2018
Được báo chí ưu ái gọi là “người đối thoại của Châu Âu”, ông chủ Điện Elysee mang theo nhiều trọng trách trong các cuộc thảo luận với ông chủ Nhà Trắng, nhằm tìm điểm tương đồng cho hàng loạt hồ sơ quốc tế quan trọng.
Hàng loạt vấn đề nóng đã được thảo luận trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. |
Mối quan hệ truyền thống Mỹ - Pháp xuất hiện những dấu hiệu căng thẳng khi ông chủ Nhà Trắng kiên định theo đuổi chính sách “nước Mỹ hàng đầu” từ khi tranh cử và xem xét lại hàng loạt thỏa thuận của những người tiền nhiệm, đặc biệt là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran mà các nước Châu Âu góp nhiều tâm sức theo đuổi. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu cũng là vấn đề nóng trong thời gian qua, xoay quanh mức thuế Washington áp đặt với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu. Song, việc Pháp sát cánh cùng Mỹ trong động thái quân sự nhằm vào Syria vừa qua cùng chuyến thăm này cho thấy, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai bên. Được đón chào trọng thị theo nghi lễ chính thức bằng 21 phát đại bác nhân kỷ niệm 250 năm quan hệ Mỹ - Pháp, duyệt đội danh dự và dự chiêu đãi quốc yến, Tổng thống Pháp mang tặng người đồng cấp Mỹ một cây sồi non - biểu tượng cho sự tương trợ và đoàn kết của nước Mỹ với nước Pháp từ Chiến tranh Thế giới I.
Trước khi lên đường đến Mỹ, Tổng thống E.Macron xác định rõ 4 trọng tâm trong các cuộc thảo luận là: Thỏa thuận hạt nhân Iran, tình hình Syria, căng thẳng thương mại và vấn đề chống biến đổi khí hậu. Trong đó, những tranh cãi liên quan tới thỏa thuận lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 là nội dung cấp bách nhất. Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng, Tổng thống E.Macron sẽ tìm cách thuyết phục người đứng đầu nước Mỹ thay đổi quan điểm về thỏa thuận này, bởi Châu Âu luôn nhất quán rằng đây là một văn kiện mang tính sống còn, có nguy cơ đe dọa an ninh khu vực Trung Đông nếu bị hủy bỏ. Sau các cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo ra thông báo cho biết, Mỹ và Pháp sẽ làm việc cùng nhau để đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với nội dung rộng hơn. Đây chưa được coi là kết quả khả quan mà giới quan sát kỳ vọng và số phận của văn kiện vẫn là một ẩn số trước hạn chót 12-5 mà Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra quyết định có gia hạn thỏa thuận này hay không.
Trong các cuộc thảo luận, nhà lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh tới tự do thương mại và vấn đề biến đổi khí hậu. Ông chủ Điện Elysee khẳng định, thế giới cần một nền thương mại công bằng và tự do, đồng thời cho rằng một cuộc chiến thương mại giữa các đồng minh không phù hợp với sứ mệnh, lịch sử và những cam kết đối với an ninh toàn cầu. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Pháp kêu gọi Washington từ bỏ chủ nghĩa dân tộc, giữ vững các lý tưởng mang tính toàn cầu. Về vấn đề Syria, Tổng thống E.Macron muốn thuyết phục Mỹ tiếp tục can dự trong khi Nhà Trắng để ngỏ khả năng không tham gia tái thiết quốc gia Trung Đông này. Tổng thống D.Trump tiếp tục nhắc lại cam kết sẽ sớm rút quân về nước và cho rằng Châu Âu, nhất là Anh, Pháp, Đức và các nước trong khu vực sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong quá trình ổn định và tái thiết tại Syria.
Nhân chuyến đi của Tổng thống Pháp E.Macron, nhật báo Le Monde (Pháp) mô tả mối quan hệ Pháp - Mỹ thời gian gần đây như ánh sáng xua tan màn đêm buông xuống Điện Elysee. Song việc cân bằng giữa mối quan hệ đồng minh truyền thống và các lợi ích an ninh, kinh tế, thương mại vẫn là bài toán mà Pháp cũng như các nước Châu Âu sẽ phải tính toán kỹ khi nhìn về phía bên kia bờ Đại Tây Dương.