Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran: Những tác động khó lường

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:11, 13/05/2018

(HNM) - Đúng như dự đoán của các chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân không chỉ gây ra những bất ổn về chính trị mà còn lập tức tác động không nhỏ tới thị trường toàn cầu.

Tác động rõ nét nhất được thể hiện là đối với thị trường dầu mỏ. Năm 2016, sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ, ngành công nghiệp khai thác dầu của Iran đã có sự hồi phục, đưa nước này trở lại vị trí cường quốc xuất khẩu dầu. Theo khảo sát mới nhất của S&P Global Platts, Iran đã xuất khẩu khoảng 3,8 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4 vừa qua, tăng gần 1 triệu thùng/ngày so với mức 2,9 triệu thùng/ngày kể từ khi JCPOA có hiệu lực. Bởi vậy, câu hỏi lớn đặt ra là liệu thị trường có thể đương đầu với sự thiếu hụt nguồn cung khi các lệnh cấm vận được tái áp đặt?

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán toàn cầu.


Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo cảnh báo, quyết định vừa được ông chủ Nhà Trắng đưa ra sẽ gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế toàn cầu, bởi bất kỳ yếu tố nào tác động tới cung hoặc cầu nhưng không xuất phát từ lợi ích của nhà sản xuất hay người tiêu dùng cũng sẽ đưa thị trường vào tình trạng mất cân bằng. Ngay khi có những thông tin về khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu đã có sự thay đổi đột biến, tăng gần 13% trong vòng một tháng và lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Các lệnh trừng phạt từ Washington cũng khiến các công ty Châu Âu lo ngại khi số phận của những dự án đầu tư, hợp tác tại Iran trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp, công ty, tập đoàn lớn như Tập đoàn năng lượng Total (Pháp), hãng sản xuất ô tô Volkswagen (Đức), hãng máy bay Airbus của Châu Âu đang xây dựng mối quan hệ làm ăn với các đối tác Iran và đã có những khoản đầu tư không nhỏ với những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD kể từ khi JCPOA được ký kết.

Ngày 12-5, giá dầu đã bước đầu giảm nhẹ bởi các nhà phân tích tin rằng các đồng minh Châu Âu của Mỹ sẽ bảo vệ JCPOA, giúp nguồn cung dầu từ Tehran không bị ảnh hưởng, đồng thời có dấu hiệu cho thấy các nước thành viên OPEC sẽ tăng sản lượng để bù đắp. Đại diện Bộ Năng lượng Saudi Arabia tuyên bố, nước này cam kết hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, Mỹ cũng đang gia tăng với sản lượng dầu thô với mức 10,7 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu của Iran cũng được cho là sẽ không giảm ngay do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra (thường là sau 90 hoặc 180 ngày có hiệu lực). Tuần qua, nhóm cổ phiếu năng lượng hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao cũng tăng trung bình 3,8%. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn tìm đến vàng là một kênh dự phòng rủi ro khi tình hình chính trị có nhiều biến động. Sau một phiên giảm nhẹ, giá vàng lại tăng 3 phiên liền vào cuối tuần và tăng 4 USD cả tuần so với chốt phiên tuần trước.

Tác động cuối cùng tới thị trường sẽ còn phụ thuộc vào cách mà các khách hàng chủ chốt của Iran là Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ và Hàn Quốc phản ứng trước các biện pháp trừng phạt của Washington. Các nhà phân tích cho rằng, một số quốc gia Châu Âu và Châu Á sẽ “phớt lờ” các lệnh trừng phạt của Mỹ và tiếp tục mua dầu thô của Iran.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân từng là nỗ lực ngoại giao suốt 15 năm qua của các cường quốc và Iran đã kết thúc khoảng thời gian 4 năm tương đối ổn định của thị trường dầu mỏ. Các chuyên gia lo ngại, giá dầu và các thị trường chủ chốt sẽ tiếp tục biến động mạnh và khó lường trước những phản ứng tiếp theo mà các quốc gia có thể đưa ra.

Minh Hiếu