Thủ tướng Đức thăm Nga: Nỗ lực tái thiết liên minh
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:28, 21/05/2018
Thủ tướng Đức A.Merkel (trái) và Tổng thống Nga V.Putin tại Sochi, Nga. |
Quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8-5 vừa qua khiến các đồng minh của Mỹ tại Châu Âu chao đảo, bất chấp nỗ lực không mệt mỏi từ ba nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức. Thông báo của ông D.Trump thổi bùng những căng thẳng khu vực và đẩy khoản đầu tư của Châu Âu vào Iran, từ dầu mỏ đến hàng không vũ trụ tới bờ vực thẳm. Trước mối đe dọa này, Đức, Anh và Pháp khẳng định tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tuy nhiên, sự đồng lòng của Châu Âu là chưa đủ. Để chống đỡ với các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ, thỏa thuận cần nhận được sự hậu thuẫn từ Nga và Trung Quốc, hai nhân tố có khả năng cung cấp cho Tehran viện trợ đủ lớn để duy trì thỏa thuận.
Trong khi Trung Quốc là đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran với quan hệ thương mại lên đến 600 tỷ USD trong 10 năm qua, thì việc Nga ký bản hợp đồng năng lượng năm 2014 với Iran có trị giá 20 tỷ USD trong vòng 5 năm giúp nước này cứu vãn phần nào khó khăn từ lệnh trừng phạt kinh tế.
Theo các nhà phân tích, trên thực tế Nga không bị ảnh hưởng lợi ích như các nước Châu Âu. Thậm chí, các công ty của nước này có thể sẽ hưởng lợi từ việc Washington áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Sau lời tuyên bố của ông D.Trump, Mátxcơva khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các bên còn lại trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) còn gọi là thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời sẽ tiếp tục phát triển quan hệ song phương với Iran. Vì vậy, sứ mệnh của bà A.Merkel tại Sochi lần này là thuyết phục Tổng thống V.Putin tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và tuân thủ các điều khoản mà JCPOA đề ra.
Mặc dù giữa Nga và Đức vẫn tồn tại nhiều bất đồng, thế nhưng trước quyết định đơn phương "dứt áo ra đi" của Tổng thống D.Trump, việc bà A.Merkel đến Nga gặp ông V.Putin có thể coi là một bước đi để Berlin tiến gần hơn đến Mátxcơva, nhằm củng cố mối quan hệ song phương, từ đó tìm kiếm một hướng đi mới trong việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran.
Bên cạnh vấn đề Iran, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức cũng thảo luận về tình hình Syria. Theo ông V.Putin, nhiệm vụ chung của các nước Châu Âu là nên hỗ trợ việc tái thiết Syria để nước này phục hồi nền kinh tế. Việc hỗ trợ tái thiết quốc gia bị chiến tranh tàn phá này không nên mang màu sắc chính trị. Khi đó, người dân Syria và người di cư sẽ có thể sớm trở về quê nhà. Hai bên đã thống nhất cho rằng cần có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, trong đó bao gồm cả các cuộc đàm phán ở Astana (Kazakhstan) và Geneva (Thụy Sĩ).
Thủ tướng Đức thừa nhận, cuộc nội chiến kéo dài ở Syria có thể trở thành một cuộc xung đột dữ dội không thể chấm dứt nếu như không có sự can thiệp của Nga và các cường quốc trong khu vực. Đức cho rằng nước này có vai trò trung gian đặc biệt cho phép Berlin giữ cho cánh cửa đối thoại luôn mở với Nga về cuộc khủng hoảng Syria.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, chuyến công du của Thủ tướng A.Merkel nhằm xích lại gần hơn với Mátxcơva được kỳ vọng sẽ đem đến những tín hiệu khả quan không chỉ cho nền kinh tế của Đức mà còn cho sự phát triển ổn định của toàn Châu Âu.