Tạo dựng niềm tin

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:53, 27/05/2018

(HNM) - Diễn đàn Kinh tế thế giới Saint Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 vừa khai mạc tại Trung tâm triển lãm “Expoforum” ở TP Saint Petersburg (Nga). Kéo dài trong 3 ngày cuối tuần, diễn đàn thu hút 10.000 đại biểu đến từ hơn 120 quốc gia.

Các nhà lãnh đạo tham dự SPIEF-2018.


Bám sát chủ đề “Tạo dựng nền kinh tế tin cậy”, các đại biểu đã cùng thảo luận việc xây dựng niềm tin trong mối quan hệ quốc tế nói chung và trong quan hệ kinh tế nói riêng. Nội dung chính của chương trình nghị sự được đưa ra vào thời điểm các biện pháp trừng phạt đang được xem như một công cụ chính trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia, buộc các nước khác phải thích nghi và áp đặt biện pháp trả đũa. Đây được coi là chính sách bảo hộ thương mại mới, gây kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Diễn ra vào thời điểm nước Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu và Mỹ liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, sự có mặt và ý kiến của nhiều nhà lãnh đạo các cường quốc thu hút quan tâm của dư luận quốc tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, lòng tin đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, thế giới lại đang cho thấy ngày càng nảy sinh nhiều bất đồng, không tin tưởng lẫn nhau. Ông thừa nhận giữa Nga và Pháp tồn tại nhiều bất đồng, nhưng hai bên cũng có những quan điểm chung trong một số vấn đề và đang tích cực thúc đẩy phát triển hợp tác song phương. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá cao nền kinh tế Nga trong điều kiện khó khăn vẫn duy trì được nhiều chỉ số tích cực như lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức thấp. Bà C.Lagarde khẳng định, việc các quốc gia sử dụng biện pháp bảo hộ thương mại là sai lầm, không ai giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga ưu tiên lợi ích quốc gia, song Mátxcơva vẫn luôn nhận thức mình là một phần của nền kinh tế thế giới trong thế giới kết nối. Ông khẳng định cạnh tranh là tất yếu, song các quốc gia phải tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở đối thoại mang tính xây dựng và cùng có lợi. Trước đó, trong cam kết tranh cử, Tổng thống Nga đã đặt việc phát triển kinh tế làm trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ tư của mình, với mục tiêu đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Để làm được điều này, nước Nga sẽ phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức 6%, trong khi con số này của năm 2017 chỉ là 1,1%. Bên cạnh đó, Nga cũng cần đến hàng chục tỷ USD vốn đầu tư và nước này sẽ không thể huy động được con số đó nếu không có các nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng Giám đốc IMF C.Lagarde cũng có lời khen ngợi Nga với tình hình tài chính ổn định và lạm phát thấp. Từ chỗ tăng trưởng âm, tổng thu nhập quốc nội (GDP) của nước này đã lên mức 1,5-1,7%. Đúng như nhiều nhận định đưa ra gần đây, sự trừng phạt của phương Tây sau gần 4 năm chỉ làm cho "chú gấu" Nga rắn rỏi hơn. Tại SPIEF lần này, nhiều người đã nhắc lại phát biểu trong lễ nhậm chức của Tổng thống V.Putin: “Nga phải là một quốc gia hiện đại, năng động, sẵn sàng đối đầu với mọi thách thức của thời đại, xử lý các vấn đề bằng mọi nguồn lực hiện có nhằm xây dựng vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực thế mạnh”. Những gì nước Nga thể hiện ở SPIEF có thể sẽ đặt một viên gạch mới nhằm xây dựng niềm tin và tháo gỡ bất đồng với nhiều quốc gia trong thời gian tới đây.

Quỳnh Dương