Tăng cường khả năng xử lý khủng hoảng
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:30, 06/06/2018
Cụ thể, Thủ tướng A.Merkel ủng hộ đề xuất của Tổng thống Pháp về thành lập Quỹ Tiền tệ Châu Âu (EMF). Bà A.Merkel nhận định, Cơ chế Ổn định Châu Âu (ESM) vốn chịu trách nhiệm giám sát các khoản cứu trợ tài chính cho những nước thành viên gặp vấn đề lớn về nợ công như Hy Lạp, không đủ khả năng bảo vệ khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) khỏi các cuộc khủng hoảng. Theo nhà lãnh đạo Đức, ngoài liên minh về ngân hàng và thị trường vốn, Eurozone cần nâng cấp ESM thành EMF, có khả năng hỗ trợ quốc gia thành viên đang gặp khó khăn về nợ công với một loại tín dụng ngắn hạn, khoảng 5 năm, cho các nước gặp khó khăn. Nếu cả khu vực gặp nguy hiểm, EMF phải có khả năng cung cấp tín dụng dài hạn và là điều kiện để thực hiện các cải cách cơ cấu.
Thực tế, một trong những thách thức mà EU phải đối diện nhiều năm qua là làm cách nào để bảo vệ Eurozone khỏi lâm vào khủng hoảng. Nhất là sau sự kiện Hy Lạp trước nguy cơ vỡ nợ và Italia đang chật vật với món nợ công khổng lồ. Đặc biệt, sau khi Anh quyết định rời khỏi khối, EU nhận ra việc cần khẩn cấp xây dựng một liên minh thị trường vốn trong khu vực Eurozone để các chủ thể kinh tế tìm tài trợ trên thị trường vốn dễ dàng hơn thay vì phải viện đến các khoản vay từ ngân hàng. Bằng cách tạo ra quỹ riêng, Eurozone sẽ tăng cường liên kết trong khối và nhờ đó dễ phục hồi trước những cú sốc tài chính.
Hầu hết các quốc gia EU đều đồng thuận về sự cần thiết của EMF, tuy còn có ý kiến băn khoăn về tính pháp lý của EMF, do lo ngại làm mất tính độc lập của ESM và đặt nó dưới sự chi phối của các tổ chức thuộc EU, thay vì các quốc gia thành viên. Vấn đề này vì thế cực kỳ nhạy cảm đối với Đức, vốn là nước đóng góp lớn nhất cho ESM. Bên cạnh đó, một số quốc gia như Hà Lan và Phần Lan lo ngại một mô hình hỗ trợ chung như vậy sẽ khiến các chính phủ trở nên chủ quan hơn vì đã có vốn "chống lưng" trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, những lo ngại này là chính đáng nhưng có thể loại bỏ nếu việc trích vốn được thực hiện dựa trên những đánh giá về việc quốc gia thành viên đã tuân thủ các quy định tài khóa chung của toàn khối.
Trong bối cảnh hiện nay, các lãnh đạo EU đang lo ngại trước việc lực lượng hoài nghi Châu Âu lên nắm quyền tại Italia và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phải từ chức do liên quan đến vụ bê bối tham nhũng. Trong khi đó, quan hệ giữa các nước Châu Âu với đồng minh lâu năm bên kia Đại Tây Dương ngày càng khó khăn do bất đồng trong một loạt vấn đề, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như nguy cơ chiến tranh thương mại sau quyết định của Washington tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép và nhôm của EU.
Với những quan ngại về tương lai của EU, tuyên bố của bà A.Merkel được xem như tín hiệu quan trọng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào cuối tháng 6 này, để tìm sự đồng thuận trong cuộc cải tổ Eurozone mạnh mẽ nhất. Hội nghị này là cơ hội cuối cùng trước cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu diễn ra vào tháng 5-2019 để đưa ra các dự án khả thi và thuyết phục các cử tri Châu Âu đang hoài nghi về khả năng thực hiện các cam kết của khối. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Valdis Dombrovskis, những biện pháp trên sẽ giúp bảo đảm nền kinh tế của các nước thành viên ổn định và mạnh mẽ hơn, cũng như củng cố khả năng xử lý khủng hoảng của EU.