Châu Âu trước mối lo chia rẽ
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:28, 10/09/2018
Làn sóng người nhập cư bất hợp pháp đang khiến các nước thành viên châu Âu đứng trước những bất đồng lớn. |
Sự việc đáng chú ý nhất gần đây là cuộc tranh luận giữa Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong chuyến thăm Italia, Thủ tướng Hungary đã ca ngợi Bộ trưởng Nội vụ Italia Matteo Salvini là “người anh hùng” và chỉ trích Pháp đang dẫn đầu các lực lượng chính trị ủng hộ nhập cư. Ông cũng cho biết, người đứng đầu nước Pháp là “đối thủ chính” của mình trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5-2019. Đáp trả, Tổng thống Pháp cho rằng, Thủ tướng V.Orban và Bộ trưởng Nội vụ Italia đã có lý khi nhìn nhận ông như “một nhân vật đối lập chính” của họ tại châu Âu liên quan hồ sơ nhập cư.
Thời gian qua, có nhiều điểm cho thấy lập trường về châu Âu của hai lãnh đạo Pháp - Hungary đối ngược hoàn toàn. Theo quan điểm của Budapest, Liên minh châu Âu (EU) chỉ nên là một định chế liên chính phủ, đóng vai trò hỗ trợ tài chính cho các quốc gia thành viên, bảo đảm tự do đi lại, khép chặt cửa biên giới với dân nhập cư.
Trong khi đó, Paris lại muốn một EU gắn bó, với chủ trương lập thêm nhiều cơ quan mới, kể cả trong vấn đề quản lý nhập cư, lập ra một ngân sách riêng cho khu vực đồng euro và có biện pháp trừng phạt tài chính với các quốc gia thành viên xâm phạm thể chế Nhà nước pháp quyền, như chính quyền Hungary của Thủ tướng V.Orban.
Gọi là bầu cử Nghị viện châu Âu, nhưng thực chất người dân ở các quốc gia thành viên sẽ tiến hành lựa chọn đại diện ngay tại nước mình. Cụ thể hơn, đây cũng là cuộc đua tranh giữa các đảng phái trong một nước, nhưng vì là bầu cử cho Nghị viện châu Âu nên nó có tính chất liên quốc gia. Các nghị sĩ có cùng quan điểm sẽ liên kết với nhau để lôi kéo sự ủng hộ cho những đại diện có chung lập trường.
Hiện tại, Tổng thống Pháp có thể tin tưởng ở sự hỗ trợ từ phía Thụy Điển, Phần Lan, cũng như lãnh đạo các chính phủ cánh tả Nam Âu (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp). Về phần mình, Thủ tướng Hungary gần như chắc chắn có được sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Nội vụ Italia, lãnh đạo đảng cánh hữu Luật Pháp và Công Lý (Pis) cầm quyền tại Ba Lan (ông Jaroslaw Kaczynski), cũng như lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen.
Tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5-2019, các công dân sẽ bầu ra 705 nghị sĩ, giảm 46 ghế so với trước đây do vào thời điểm đó nước Anh sẽ không còn trong EU. Tương lai của EU sẽ phụ thuộc vào quyết định của khoảng 450 triệu người dân của 27 nước thành viên. Tuy nhiên, triển vọng về việc các đảng theo chủ nghĩa dân túy có thể giành được chỗ đứng tốt sau cuộc bầu cử đang gây lo ngại cho nhiều quan chức cũng như những người dân châu Âu.
Nếu các đảng này, ví như đảng Mặt trận quốc gia ở Pháp giành thắng lợi thì châu Âu sẽ đối mặt với nhiều thay đổi đe dọa tới tiến trình nhất thể hóa. Chẳng hạn như việc sửa đổi các hiệp ước về tự do đi lại, tự do kiếm việc làm trong không gian Schengen hay các hiệp ước về kiểm soát ngân sách…
Trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp E.Macron đã phải thốt lên rằng, sự chia rẽ chính trị trong nội bộ châu Âu chẳng khác nào như một cuộc nội chiến. Ông kêu gọi bảo vệ nền dân chủ tự do của châu Âu, nơi quyền lợi của những nhóm thiểu số được tôn trọng và chỉ trích những người muốn mang đất nước họ tách khỏi Cựu lục địa để theo đuổi “cuộc phiêu lưu cổ tích”.
Rõ ràng, việc tìm ra một “phương thuốc cứu chữa” cho chủ nghĩa hoài nghi đang lớn dần trong lòng EU đã trở thành vấn đề cấp bách với châu lục, nhất là trong bối cảnh đồng hồ đếm ngược thời gian cho cuộc bầu cử tháng 5-2019 đã bắt đầu hoạt động.