Xung lực mới trên bán đảo Triều Tiên
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:21, 21/09/2018
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng ngày 18-9. |
Hàng loạt diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau "cú hích" là cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ngày 27-4 giữa lãnh đạo hai miền đang tạo môi trường thuận lợi khiến cơ hội giải quyết vấn đề hạt nhân tại Đông Bắc Á có thêm hy vọng. Nỗ lực và thiện chí từ cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã được thể hiện mạnh mẽ. Sau cuộc gặp mang tính chất “mở đường”, suốt hơn 4 tháng qua, cả hai bên đều cố gắng hiện thực hóa từng bước những cam kết mà Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đạt được trong Tuyên bố Panmunjom, trên tinh thần đối thoại xây dựng và chân thành.
Tuy nhiên, tình trạng bế tắc trong tiến trình thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa đang tạo ra nhiều trở lực. Điều này bắt nguồn từ những bất đồng trong các bước đi tiếp theo của tiến trình giải giáp nguyên tử sau thỏa thuận giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 12-6 ở Singapore. Hai nước dường như chưa tìm ra cách thức hiệu quả để tiếp tục thực hiện các động thái tiếp theo. Washington muốn Bình Nhưỡng công khai chi tiết chương trình hạt nhân, trong khi chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un muốn Tổng thống D.Trump chấp nhận ký tuyên bố chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên trước.
Thế nên, hội nghị liên Triều lần này là một cơ hội quan trọng để Seoul và Bình Nhưỡng làm rõ quan điểm, thu hẹp bất đồng, có sáng kiến đột phá nhằm tạo dựng niềm tin và làm bàn đạp cho giai đoạn tiếp theo. Đúng như kỳ vọng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in đã ký Tuyên bố chung tháng 9 kết thúc bằng cam kết đưa quan hệ liên Triều lên tầm cao mới, tiến gần hơn tới hòa bình và thịnh vượng với một loạt thỏa thuận quan trọng. Trong đó, Bình Nhưỡng cam kết sẽ đóng cửa vĩnh viễn bãi thử hạt nhân Dongchang-ri tại cơ sở hạt nhân Yongbyon dưới sự giám sát của các chuyên gia quốc tế.
Kết quả cuộc gặp được Chủ tịch Kim Jong-un đánh giá là một bước nhảy vọt tiến tới một kỷ nguyên hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Còn giới truyền thông cho rằng, chỉ riêng việc tổ chức thêm một hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong năm 2018 đã là một thành công và báo trước tương lai tiếp tục đối thoại giữa hai miền, kể cả với Mỹ. Sau hội nghị, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tới Mỹ để hội đàm với Tổng thống D.Trump bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều và tương lai về một hội nghị Mỹ - Triều lần hai.
Có thể nói Hàn Quốc đang làm tốt vai trò kết nối để giữ Triều Tiên không chệch bước khỏi con đường phi hạt nhân hóa và xóa bỏ sự nghi ngờ của Mỹ. Ngay sau khi cuộc gặp tại Bình Nhưỡng kết thúc, Tổng thống D.Trump đã viết đầy lạc quan trên trang Twitter cá nhân rằng “sẽ không có vụ phóng thử tên lửa hay hạt nhân nào nữa”. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định con đường phía trước vẫn chưa hết gian nan.
Dẫu vậy, hơn ai hết, người dân hai nước mong đợi thành công của Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 3 sẽ góp phần tăng cường quan hệ song phương, mở ra cơ hội thống nhất hai miền và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Với nhiều cam kết hứa hẹn tạo thêm xung lực mới, hy vọng về hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại được thắp lên đúng như khẩu hiệu "Hòa bình - Một tương lai mới" của hội nghị.
Việt Nam hoan nghênh kết quả Hội đàm Thượng đỉnh liên Triều Hoàng Linh |