Ngoại trưởng Mỹ thăm Triều Tiên: Củng cố triển vọng hòa bình
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:41, 09/10/2018
Kết quả chuyến công du của người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc hiện tại và tạo bước đột phá trong các cuộc đàm phán sắp tới về hòa bình tại khu vực Đông Bắc Á.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau cuộc gặp tại Bình Nhưỡng. |
Những tín hiệu tích cực đã được ghi nhận, dù nội dung cụ thể của cuộc gặp giữa Ngoại trưởng M.Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chưa được tiết lộ. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ thậm chí còn nhận định, chuyến thăm lần này thành công hơn cả 3 chuyến thăm trước đó của ông tới Triều Tiên. Đây là cơ sở quan trọng để các bên tiếp tục tạo ra tiến triển trong việc thực hiện các thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore và đạt được tiến bộ cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nỗ lực sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 trong năm 2018 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng là nội dung được các bên đề cập và thúc đẩy. Cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng 6-2018 được đánh giá là bước tiến lớn chưa từng có trong lịch sử, song những thỏa thuận về phi hạt nhân hóa còn khá mơ hồ với rất ít cam kết và quy định cụ thể. Từ đó tới nay, các bên vẫn đang loay hoay tìm con đường hướng tới những mục tiêu đã đề ra. Điều mà dư luận mong chờ nhất hiện nay là một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 diễn ra, mang lại các kết quả cụ thể và cam kết rõ ràng hơn.
Giới quan sát càng có cơ sở tin tưởng vào triển vọng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên khi Hãng thông tấn KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định hài lòng về kết quả cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ khi hai bên đã trao đổi thẳng thắn quan điểm và hiểu đầy đủ về nhau. Washington và Bình Nhưỡng cũng thống nhất về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 càng sớm càng tốt nhằm thúc đẩy nỗ lực giải trừ hạt nhân. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hy vọng các cuộc đàm phán giữa hai nước tiếp tục phát triển, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố chỉ trích của Bình Nhưỡng nhằm vào Washington sau chuyến thăm hồi tháng 7-2018 cũng của người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ.
Đặc biệt, chuyến công tác của Ngoại trưởng M.Pompeo còn đạt được một kết quả khác có ý nghĩa vô cùng lớn. Các bước giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng lâu nay vẫn bị nghi ngờ khi nước này liên tục từ chối đề nghị giao nộp 60-70% số đầu đạn hạt nhân trong vòng 8 tháng, đồng thời Mỹ chưa thể thuyết phục Triều Tiên công bố danh sách và thông tin chi tiết các kho vũ khí hạt nhân. Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã mời các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri để xác nhận việc phá hủy bãi thử này hoàn toàn và không thể đảo ngược. Động thái này xóa tan những nghi ngờ của dư luận quốc tế trước việc Triều Tiên tuyên bố đã cho phá hủy các đường hầm ở bãi thử vào cuối tháng 5-2018, nhưng hình ảnh được cung cấp lại không đủ sức thuyết phục.
Kết quả của chuyến thăm tới Triều Tiên cũng được Ngoại trưởng M.Pompeo thông báo và thảo luận khi dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong chuyến công tác. Điều đó cho thấy Washington đang hướng đến các hành động đồng bộ và toàn diện hơn với sự tham gia của các quốc gia khác cũng có tiếng nói quan trọng trong vấn đề này. Việc các bên đồng loạt thể hiện thiện chí và để mở cánh cửa đối thoại một lần nữa củng cố mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên, tránh đẩy triển vọng hòa bình được tạo dựng trong suốt những tháng qua đi chệch hướng.