Cơ chế phòng thủ triển vọng
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:22, 09/11/2018
Liên minh phòng thủ châu Âu là cơ chế đầy triển vọng trong bối cảnh Lục địa già đang phải đương đầu với nhiều nguy cơ an ninh. |
Liên minh được thành lập theo đề xuất của ông chủ Điện Elysee với sự tham gia của những thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với các đe dọa về an ninh, sẵn sàng phản ứng và triển khai nhanh chóng tới các điểm nóng hay các cuộc khủng hoảng gần biên giới châu lục. Đến nay, 9 quốc gia gồm Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và mới đây nhất là Phần Lan đã hưởng ứng sáng kiến của Pháp. Các thành viên hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, phân tích, đưa ra kế hoạch giải quyết khủng hoảng quân sự và nhân đạo, cam kết ủng hộ và đóng góp cho lực lượng phòng thủ chung này trong tương lai.
Đây không phải là lần đầu tiên các quốc gia châu Âu đưa ra đề xuất nhằm nâng cao khả năng phòng vệ. Theo kế hoạch, EU sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ năm 2021, trong đó khoảng 13 tỷ euro được phân bổ để nghiên cứu và phát triển các thiết bị quân sự mới trong vòng 7 năm tới. Đây là con số đáng kể so với 600 triệu euro ngân sách quốc phòng hiện tại của liên minh này. Nhiều thỏa thuận về lực lượng tác chiến đa phương và các dự án hợp tác quân sự cũng đang được triển khai rộng khắp. Ý tưởng của nhà lãnh đạo Pháp được đưa ra cách đây hơn 1 năm, song chưa nhận được nhiều quan tâm do trùng với thời điểm EU ký kết Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) nhằm thúc đẩy đầu tư quân sự chung.
Bộ Quốc phòng Pháp nhận định, sáng kiến này không mâu thuẫn hay phá vỡ các nỗ lực phòng thủ truyền thống của EU cũng như của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu, mà ngược lại giúp cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia. Việc hợp nhất quốc phòng châu Âu càng được nhấn mạnh trong bối cảnh châu lục này tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh sau khi tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit) hoàn tất, cùng nạn khủng bố, bài trừ sắc tộc hay tôn giáo vốn nhức nhối lâu nay. Bên cạnh đó, việc Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời dọa rút khỏi NATO nếu các đồng minh không tăng chi phí quốc phòng cũng đặt ra nhiều vấn đề về khả năng tự phòng vệ của Lục địa già. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker từ lâu cũng ủng hộ ý tưởng EU cần có khả năng phòng thủ độc lập với NATO, thậm chí là thành lập quân đội châu Âu và hy vọng đến năm 2025, một cơ chế như vậy sẽ đi vào hoạt động.
Việc thành lập một lực lượng mới, không có sự tham gia của Mỹ rõ ràng là một cơ hội lớn để bản thân các cường quốc EU vực lại sức mạnh quân sự. Giới quan sát cũng kỳ vọng số lượng các nước tham gia sẽ còn tăng lên. Sự có mặt của xứ sở Sương mù ngay cả khi đã rời khỏi “ngôi nhà chung” cũng như khả năng Nga sẽ tham gia vào liên minh do cơ chế này vẫn để mở cho các nước không phải là thành viên EU đã cho thấy mục tiêu chính của liên minh là bảo đảm an toàn, an ninh ở khu vực chứ không phải để đối chọi với bất kỳ quốc gia nào.
Dù là cơ chế triển vọng và cần thiết, sự khác biệt giữa năng lực quốc phòng và quan điểm của các nước châu Âu cho thấy, vẫn còn một khoảng cách lớn cần vượt qua giữa kỳ vọng và thực tế triển khai sáng kiến này, tránh nguy cơ hoạt động không hiệu quả và trở thành “cái bóng” của NATO.