Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria: Bước đi bất ngờ

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:25, 21/12/2018

(HNM) - Tuy Lầu Năm Góc chưa đưa ra thông báo chính thức, nhưng Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi Syria, quá trình được cho là có thể kéo dài hơn 3 tháng.

Mỹ hiện duy trì số lượng binh sĩ không lớn tại Syria.


Bên cạnh thông báo ngắn ngủi trên, cả Tổng thống D.Trump lẫn Nhà Trắng đều không đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào, nhất là về những điều chỉnh chiến lược tại Syria trong thời gian tới, điều vốn được coi là rất quan trọng đối với diễn tiến của những xung đột tại đây. Việc Mỹ rút lực lượng khỏi Syria được giới quan sát coi là dấu chấm hết đối với chính sách hiện diện quân sự dài hạn tại quốc gia này. Chiến lược trên từng được Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và các quan chức cấp cao khác của Mỹ ủng hộ với lý do bảo đảm IS không thể trỗi dậy trở lại. Bên cạnh đó, quyết định mới nhất của người đứng đầu nước Mỹ dường như đi ngược lại những chính sách trước đây của Washington, thậm chí "đáp ứng" mong muốn của Syria, Nga, Iran và đặt dấu hỏi về vai trò của Mỹ tại khu vực.

Tuy còn một số điểm chưa được làm rõ, nhưng có nhiều lý do để dư luận tin rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria là tất yếu. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống D.Trump đã nhiều lần khẳng định mong muốn đưa các quân nhân đang đồn trú ở quốc gia đang bị chiến sự tàn phá về nước. Thứ đến, thời gian qua, Washington từng tham vấn về kế hoạch rút quân với nhiều đối tác và đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này tương đồng với việc một quan chức cao cấp của Ankara mới đây đã chia sẻ với báo giới rằng, quyết định rút quân của Tổng thống D.Trump hoàn toàn tuân thủ những thỏa thuận trong cuộc nói chuyện trước đó của ông chủ Nhà Trắng với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Đáng chú ý hơn, theo thông tin chính thức của quân đội Mỹ, hiện chỉ còn 503 quân nhân nước này đang đóng tại Syria, rất ít so với quy mô hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông. Đơn cử như chỉ riêng khu vực dọc biên giới Iraq đã có hơn 5.200 binh sĩ Mỹ được triển khai. Tuy nhiên, sự chênh lệch này là lý giải được khi phần lớn số quân nhân Mỹ tại Syria chủ yếu giữ vai trò cố vấn và huấn luyện trong khi các chiến dịch quân sự của Mỹ chống IS tại quốc gia Trung Đông đều được tiến hành bằng các cuộc không kích từ căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar và một số sân bay khác ở khắp Trung Đông. Như thế, số lượng binh sĩ ít ỏi đồng nghĩa với việc rút quân toàn diện sẽ mang tính hình thức nhiều hơn là ảnh hưởng tới năng lực tác chiến thực tế.

Thế nhưng chắc chắn rằng, quyết định khép lại 4 năm can dự vào Syria sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hình ảnh và vai trò của Washington tại quốc gia này nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung, tác động tiêu cực đến những đòn bẩy ngoại giao trên bàn đàm phán. Động thái này sẽ khiến các đồng minh của Washington tại Syria bị suy yếu trong khi hoạt động thông tin tình báo của Mỹ trong khu vực cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, việc Mỹ rút đi còn là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Israel, đồng minh quan trọng của Washington, trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Syria.

Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân sẽ không có nghĩa rằng nước này không còn vai trò gì tại Syria. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dana White từng khẳng định, Washington sẽ tiếp tục chiến dịch chống IS ở quốc gia Trung Đông và sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để “đánh bại IS ở bất cứ nơi nào chúng hoạt động”. Tuy nhiên, động thái mới chắc chắn sẽ dẫn tới những chuyển biến lớn trên bản đồ địa chính trị của Syria và khu vực Trung Đông trong thời gian tới.

Hoàng Linh