Nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: Cần cơ chế, chính sách đột phá

Thu Hằng 18/07/2023 - 06:56

Mặc dù là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, nhưng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chủ yếu vẫn ở quy mô hộ, manh mún... Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông nghiệp an toàn, có chất lượng và thích ứng với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, Hà Nội đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

san-xuat-nam-ung-dung-cong-.jpg
Sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức).

Chưa tương xứng với tiềm năng

Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ có thế mạnh về khoa học công nghệ, nguồn lực, hệ thống cơ chế chính sách, Hà Nội đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều mô hình ở lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội như mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) với diện tích là 0,33ha. Mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) với tổng diện tích 5ha, nhà lưới 4.000m2, nhà lạnh quy mô 50m3, nhà sơ chế 30m2, ứng dụng công nghệ nhà màng lưới, hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt với diện tích 46.292m2. Mô hình sản xuất hoa công nghệ cao của Hợp tác xã Đan Hoài - Flora (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) có diện tích 8ha; ứng dụng nhà lưới hiện đại trong việc nuôi trồng, chăm sóc và làm chủ công nghệ sản xuất một số loài hoa lan…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện nay, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội quy mô chưa lớn nhưng đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, an toàn thực phẩm và mang lại thu nhập cao hơn so với sản xuất truyền thống và đang khẳng định được vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố còn thấp, các công nghệ được lựa chọn ứng dụng chưa đa dạng và vẫn chưa có nhiều đột phá. Hà Nội chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo đúng tiêu chí...

Thu hút doanh nghiệp tham gia

Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã xác định 7 nhóm chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 70%. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, trong đó, công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Bà Lê Thanh Hiếu, nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ nhận định, Hà Nội là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ cung cấp sản phẩm phục vụ ứng dụng công nghệ cao nói chung và trong nông nghiệp nói riêng. Nhiều doanh nghiệp trong số này đã trở thành doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Một số doanh nghiệp trong số này, ở giai đoạn đầu, đã được Nhà nước hỗ trợ để tiếp thu, hoàn thiện công nghệ nhận chuyển giao từ các viện, trường trước khi mạnh dạn đầu tư ở quy mô lớn hơn. Điều này cho thấy vai trò của Nhà nước và hiệu quả của việc liên kết viện/trường và doanh nghiệp/hợp tác xã.

"Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Hà Nội cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ để các doanh nghiệp “mặn mà” hơn và thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia với vai trò chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố hay các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia", bà Lê Thanh Hiếu đề xuất.

Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần có một số cơ chế, chính sách đột phá hơn nữa, đặc biệt là trong vấn đề đất đai, quy hoạch phát triển... Hà Nội cần hoàn thiện và thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao; rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển nhanh, mạnh và bền vững.