Góc nhìn

Kinh doanh có trách nhiệm

Gia Khánh 18/07/2023 - 06:51

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.

Mục tiêu của chương trình là nhằm nâng cao nhận thức, năng lực; rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành chính sách, pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm để phát huy các mặt tích cực, giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường (tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương).

Kinh doanh có trách nhiệm đã trở thành xu hướng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu đưa vấn đề xã hội, môi trường, đạo đức vào hoạt động và chiến lược kinh doanh. Vấn đề lợi nhuận được xem xét trong bối cảnh rộng hơn, bao hàm cả những vấn đề kinh tế, xã hội và trách nhiệm của doanh nghiệp. Ngoài việc sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp còn đóng vai trò xã hội quan trọng, tham gia các mối quan tâm của xã hội như lao động, việc làm, biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, phát triển cộng đồng…

Ở Việt Nam, chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm không còn là khuyến khích mà mang tính bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng ở tuân thủ pháp luật mà phải đánh giá rủi ro đối với yếu tố con người, môi trường, xã hội, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn.

Đáng chú ý, Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã ký hơn 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định đề cao thương mại bền vững với những tác động tích cực đến quyền con người. Vì thế, việc thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm là thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển bền vững. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và quốc gia. Ngược lại, doanh nghiệp không tuân thủ thông lệ quốc tế có thể phải đối mặt nhiều hơn với những thách thức khi tiếp cận thị trường nước ngoài.

Để thúc đẩy việc kinh doanh có trách nhiệm, cần triển khai 3 định hướng lớn, gắn với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và thúc đẩy hiệu quả, chất lượng thi hành chính sách pháp luật liên quan. Chính sách và pháp luật cần được ban hành theo đúng các cam kết quốc tế, có ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiên phong thực hành kinh doanh có trách nhiệm; rà soát đồng bộ với quy định về đầu tư, lao động, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng...

Việc nâng cao hiệu quả, chất lượng thực thi cần thực hiện thông qua kiểm tra, giám sát, hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Để nâng cao nhận thức cần tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp, người dân, cơ quan có liên quan và đội ngũ tư vấn… Doanh nghiệp không chỉ đóng góp vào kết quả kinh tế mà còn đóng vai trò bảo đảm hòa nhập xã hội.