Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh của Hà Nội tăng 16 bậc, đạt 4,2 triệu tài khoản định danh điện tử
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương đã nhận thức đúng đắn về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06, song cũng cần thay đổi phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số.
Chiều 17-7, UBND thành phố Hà Nội sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu chính UBND thành phố Hà Nội có đại diện các bộ, ngành; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố với hơn 33 nghìn đại biểu tham dự.
Trước khi bước vào hội nghị, các đại biểu đã tham quan trình diễn 43 mô hình chuyển đổi số - mô hình hạ tầng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp áp dụng cho các tỉnh, thành gắn với Chính phủ số - chuyển đổi số - thành phố thông minh.
Kịp thời, đúng tiến độ
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ.
Báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng năm 2023, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết: UBND thành phố đã ban hành 30 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính mới, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ; phê duyệt 857 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. Tính đến ngày 10-6-2023, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là 1.875 thủ tục hành chính, trong đó cấp sở, cơ quan tương đương sở là 1.385 thủ tục, cấp huyện là 339 thủ tục và cấp xã là 151 thủ tục.
Các sở, ngành thành phố đã phê duyệt 428 quy trình; các quận, huyện, thị xã ban hành 1.684 quy trình; cấp xã ban hành 2.962 quy trình và 113 quy trình liên thông cấp xã và huyện.
Báo cáo nhanh về việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước công dân, bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật... Tính đến ngày 28-6-2023, toàn thành phố đã kích hoạt 4.220.601/6.220.864 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 67,8%.
Báo cáo về công tác chuyển đổi số 6 tháng năm 2023, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, thành phố đã xây dựng, ban hành các quy chế quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố; quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức thu bằng “0” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến, thực hiện đến hết ngày 31-12-2025.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, một số quận, huyện đã nhận thức vai trò của chuyển đổi số và chủ động trong việc đề xuất, triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì vận hành khai thác Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. 100% hồ sơ hoàn thuế được xử lý điện tử.
Đến nay, thành phố đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc thành phố; thực hiện kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố với các bộ, ngành theo quy định.
Chuyển đổi số là vấn đề “sống còn”
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, với quyết tâm chính trị lớn, vào cuộc đồng bộ, Hà Nội đã có những kết quả tích cực. 44/65 những vấn đề khó khăn đã được giải quyết trong thời gian rất ngắn. Các công việc có nội dung, địa chỉ rõ ràng.
Với 11 nhóm tồn tại, khó khăn đã được thành phố chỉ rõ, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Hà Nội phát huy kinh nghiệm, cùng các bộ tháo gỡ và khẳng định Bộ Công an sẽ tiếp thu, tiếp tục phối hợp giải quyết; báo cáo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng lưu ý các vấn đề: Pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, con người, công nghệ… và nêu rõ, đây là những vấn đề có độ mở lớn, Hà Nội cần chủ động, linh hoạt trên nền tảng cơ bản. Việc cung cấp thông tin phải chính xác, đảm bảo đúng thời hạn để người dân được thực hiện.
“Làm sao để người dân ở Hà Nội, người tỉnh khác đến Hà Nội, khách quốc tế đến Thủ đô ít phải sử dụng giấy tờ nhất”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, công tác cải cách hành chính của thành phố có nhiều chuyển biến, Chỉ số cải cách hành chính của thành phố luôn đứng trong top 10 tỉnh, thành phố qua nhiều năm và đặc biệt có sự thay đổi vượt bậc trong năm 2022 (đứng vị trí số 3/63 tỉnh thành, vượt 7 bậc so với năm 2021). Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh của Hà Nội tăng vượt bậc so với năm 2021 (tăng 16 bậc); công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thực hiện theo quy định...
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương đã nhận thức đúng đắn về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06; các sở, ngành, UBND các cấp đã hiểu rõ về tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được quan tâm, đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ.
Bên cạnh nhận thức đúng đắn, lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương cũng cần thay đổi phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số.
Khi nào chúng ta còn “khoán trắng” cho tin học, cán bộ tin học, trung tâm tin học thì lúc đó chuyển đổi số còn thất bại. Khi nào nhận thức được chuyển đổi số là “sống còn”, bản thân chúng ta phải tự muốn đổi mới trong từng lĩnh vực, từng khâu để nâng suất cao hơn thì khi đó chúng ta mới thành công được. Đây là mức độ chuyển biến nhận thức thứ hai - Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố cho biết thành phố sẽ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Các sở, ngành tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
“Thành phố cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, chuyển từ thụ động sang chủ động; đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; đẩy mạnh xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành; đẩy mạnh bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng cho biết thành phố sẽ huy động nguồn lực cho cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen 24 tập thể, 79 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thời gian qua.